Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới sau khi Fed hạ lãi suất, giá dầu tăng

Về cơ bản, giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall kỳ vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ mang lại lợi ích cho những tài sản rủi ro như cổ phiếu...

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (7/11), với hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq cùng thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, nối dài đà tăng sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống và hưởng ứng tích cực động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô đi lên nhờ tâm lý ham thích rủi ro tăng và niềm lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,74%, đạt mức cao chưa từng thấy 5.973,1 điểm. Nasdaq tăng 1,51%, đạt 19.269,46 điểm, đánh dấu lần đầu tiên đóng cửa trên 19.000 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 1 điểm, còn 43.729,34 điểm. Cả ba chỉ số đều cùng lập kỷ lục nội phiên trong phiên này.

Trước đó, thị trường đã tăng dữ dội trong phiên ngày thứ Tư, sau khi ông Trump được dự báo thắng đối thủ Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Dow Jones đã tăng hơn 1.500 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong 2 năm, còn S&P 500 tăng 2,53% - phiên tăng mạnh nhất vào ngày sau bầu cử trong lịch sử.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ biến động mạnh sau bầu cử. Lợi suất giảm xuống vào ngày thứ Năm sau khi tăng vọt trong phiên trước, do giá trái phiếu tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu.

Tất cả những diễn biến trên của thị trường là bối cảnh cho động thái giảm lãi suất mà Fed đưa ra vào buổi chiều ngày thứ Năm. Mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm không nằm ngoài dự báo, nhưng là một sự giảm tốc so với mức giảm 0,5 điểm phần trăm hồi tháng 9.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Fed công bố quyết định lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ông có cảm nhận tốt đẹp về tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Ông cũng phát tín hiệu rằng Fed có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất với bước giảm nhỏ trong thời gian tới.

“Thế cân bằng rủi ro hiện nay cho phép Fed có nhiều dư địa để giảm lãi suất trong năm 2025. Thị trường không nên kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất lớn trừ phi nền kinh tế diễn biến xấu. Đó là điều khó xảy ra trước mắt”, nhà quản lý quỹ Jamie Cox của công ty Harris Financial Group nhận định với hãng tin CNBC.

Về cơ bản, giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall kỳ vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ mang lại lợi ích cho những tài sản rủi ro như cổ phiếu, một phần bởi chủ trương cắt giảm thuế của ông. Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng đồng nghĩa với thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ tiếp tục ở mức cao, và khả năng ông Trump áp thuế quan cũng làm gia tăng mối lo về sự trở lại của lạm phát.

Theo Giám đốc đầu tư Rony Roth của quỹ Wilmington Trust, cho tới khi biết rõ về phạm vi và ảnh hưởng của các chính sách của ông Trump, thị trường sẽ còn nhiều biến động nhưng xu hướng chung của giá cổ phiếu là tiếp tục tăng.

“Đến một lúc nào đó, với mức định giá cổ phiếu và lợi suất trái phiếu bị đẩy lên cao quá mức… cơ hội còn lại trên thị trường cổ phiếu sẽ còn rất ít. Hiện tại chưa đến mức như vậy, nhưng sau 6 tháng nữa, tôi cho rằng chúng ta sẽ phải có một cuộc nói chuyện nghiêm túc về vấn đề đó”, ông Roth phát biểu trên CNBC.

Cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm dẫn đầu phiên tăng này, với các Big Tech đồng loạt ghi nhận mức tăng lớn, như Apple và Nvidia tăng tương ứng 2,1% và 2,3%; Meta Platforms tăng 3,4%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,95%, chốt ở mức 75,63 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,67 USD/thùng, tương đương tăng 0,93%, chốt ở mức 72,66 USD/thùng.

Đồng USD tăng giá mạnh sau khi ông Trump trúng cử đang là một yếu tố gây áp lực giảm lên giá dầu, bên cạnh triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu, nhất là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ông Trump có khả năng gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và Iran, cũng như xung đột quân sự tiếp diễn ở Trung Đông, đang là những yếu tố hỗ trợ giá dầu.

Xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán và lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ cũng là những yếu tố có lợi cho giá “vàng đen”.

“Một vài trong số những yếu tố này sẽ không có ảnh hưởng tới giá dầu trong tương lai gần, nhưng tất cả gộp chung lại đều dẫn tới sự giằng co của giá dầu. Trừ phi có diễn biến leo thang căng thẳng địa chính trị, tôi cho rằng triển vọng của giá dầu trong ngắn hạn nghiêng về rủi ro giảm giá”, nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận xét với hãng tin Reuters.