Đưa tài sản số, AI và phát triển bán dẫn vào Luật công nghiệp công nghệ số

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số quy định nhiều nội dung về khái niệm, nguyên tắc cho tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp bán dẫn và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox)...

Ngày 23/11/2024, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra báo cáo về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ ĐÓNG GÓP LỚN CHO ĐẤT NƯỚC

Đề cập về mục đích ban hành, quan điểm xây dựng dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định: Dự án Luật được xây dựng nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.

Khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.

Dự án Luật gồm 8 Chương, 73 Điều thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.

Cụ thể, dự thảo Luật đã quy định một số nội dung về ưu tiên phát triển lực lượng nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên chất lượng cao; hình thành các cơ sở, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại; xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ số trọng điểm, tập trung vào các công nghệ số cốt lõi; có chính sách khuyến khích các tập đoàn công nghệ đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ số tại Việt Nam.

Dự thảo luật khuyến khích huy động nguồn lực đầu tư của xã hội kết hợp với nguồn lực đầu tư nhà nước để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghiệp công nghệ số như: Hệ thống thông tin về công nghiệp công nghệ số quốc gia; trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu; trung tâm/viện nghiên cứu phát triển; khu công nghệ số đảm bảo hiện đại, đồng bộ phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương.

Dự thảo Luật đưa ra các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số, hỗ trợ các thành phần của hệ sinh thái, từ nghiên cứu, đào tạo, khởi nghiệp, sản xuất đến khi cung ứng ra thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam để từng bước hình thành một hệ sinh thái trong nước hoàn chỉnh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, dự thảo luật đưa ra các chính sách phát triển thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số thông qua ưu tiên đầu tư, thuê mua sắm sản phẩm, dịch vụ trong nước; phát triển thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp công nghệ số; ưu đãi cho hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của doanh nghiệp; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thúc đẩy đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ số…

CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN LÀ MỘT PHÂN NGÀNH QUAN TRỌNG CỦA CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ SỐ

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.

Cụ thể, công nghiệp bán dẫn là một phân ngành quan trọng của công nghiệp công nghệ số, tương đối hoàn chỉnh mang tính vật lý cao, có quy mô đủ lớn. Dự thảo Luật quy định Chương “Công nghiệp bán dẫn” thay cho “vi mạch bán dẫn” nhằm bảo đảm tính bao quát, tổng thể, đầy đủ các công đoạn của hoạt động công nghiệp bán dẫn, phù hợp với mục tiêu, đối tượng quản lý và đồng bộ với Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đưa tài sản số, AI và phát triển bán dẫn vào Luật công nghiệp công nghệ số - Ảnh 1

Đối với trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất. Luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Dự thảo luật cũng quy định về tài sản số và cơ chế thử nghiêm có kiểm soát. Tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ như quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

Về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát với phạm vi giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng thử nghiệm đối với sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới được tạo ra bởi hội tụ công nghệ số mà chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc thử nghiệm và thẩm quyền cho phép thử nghiệm cững như miễn trừ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm.

Dự thảo Luật cũng quy định chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số trên nguyên tắc tham chiếu đến các quy định về ưu đãi hiện hành trong pháp luật về đầu tư, thuế, tín dụng, công nghệ cao,…

Ngoài ra, dự thảo Luật quy định thêm một số ưu đãi trọng tâm, trọng điểm cho một số dự án đặc biệt, đặc thù trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tập trung vào sản phẩm trọng điểm, phần mềm, bán dẫn, AI, trung tâm xử lý và lưu trữ dữ liệu AI, trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ số.

Cùng với việc đưa các quy định về cơ chế ưu đãi, hỗ trợ vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ đang chủ trì sửa đổi các Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… để bảo đảm có chính sách ưu đãi cao nhất, trọng tâm, trọng điểm đối với những dự án có tính chất, quy mô đặc biệt, không dàn trải cho ngành công nghiệp công nghệ số bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp trong hệ thống pháp luật.

PHÂN LOẠI TÀI SẢN SỐ VÀ XÂY DỰNG CÁC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TƯƠNG ỨNG

Thẩm tra dự án luật, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nêu rõ rằng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cơ bản đã thể chế hóa và phù hợp với đường lối, chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống pháp luật, tương thích với với điều ước quốc tế có liên quan.

Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh, tập trung vào những yếu tố cốt lõi để phát triển một ngành công nghiệp như R&D, hạ tầng, tài chính, nhân lực, thị trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp, liên kết phát triển hệ sinh thái.

Về tài sản số, Ủy ban nhận thấy việc quy định về tài sản số trong Luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.

Về công nghiệp bán dẫn, Ủy ban thống nhất cần phải có quy định phát triển công nghiệp bán dẫn trong Luật Công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, có chính sách ưu đãi vượt trội, khả thi; xem xét bổ sung một số quy định về chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học;

Quy định về bảo đảm cung cấp cơ sở hạ tầng nhất là điện sạch, nước sạch; nghiên cứu bổ sung quy định kích cầu, phát triển thị trường trong nước đối với sản phẩm bán dẫn do doanh nghiệp nội địa sản xuất; quy định rõ hơn trách nhiệm của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cao, chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị… cho phù hợp.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng tán thành việc cần thiết đưa nội dung quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số quy định về giới hạn thử nghiệm, cơ chế bảo vệ thị trường, bảo vệ người tiêu dùng; miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, các hoạt động tiếp theo sau khi kết thúc thử nghiệm; cân nhắc mở rộng đối tượng thử nghiệm là “sản phẩm, dịch vụ công nghệ số” thay vì “sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số”.