Sáng 7/11/20224 tại Đồng Tháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Đồng Tháp, tổ chức hội nghị. Lãnh đạo UBND 12 tỉnh/thành phố; đại diện sở, ban, ngành địa phương; lãnh đạo các vụ, cục và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cùng hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng tham dự hội nghị.
NGUỒN VỐN VÀ CƠ CHẾ VAY ĐÃ SẴN SÀNG
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lúa gạo là một trong những ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhằm mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra những bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế, ngày 27/11/2023,Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Hiện tại Vinarice đang cần nguồn vốn trung dài hạn khoảng 150 tỷ để đầu tư dây chuyền công nghệ tồn trữ mới của Đức. Công nghệ này cho phép sử dụng khí CO2 ở nhiệt độ thấp, không làm phát sinh mọt, phân giải tồn dư độc hại, loại bỏ kim loại nặng nhằm đáp ứng yêu cầu các nhà nhập khẩu cao cấp trên thế giới”.
Ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice
Để triển khai chương trình này, Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị liên quan xây dựng Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cho vay liên kết theo Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Ngày 11/10/2024 Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản đến các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn triển khai chương trình; văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phối hợp triển khai một số nội dung liên quan đến nhiệm vụ của bộ này cùng các địa phương để ngân hàng có cơ sở thực hiện cho vay theo chương trình.
Báo cáo tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến nay, dư nợ tín dụng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2023. Đối với chương trình cho vay theo Quyết định 1490/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước triển khai 2 giai đoạn, gồm (i) từ nay đến 2025, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay thí điểm và giai đoạn mở rộng từ sau 2025 đến 2030 đối với các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, căn cứ vào nội dung khung chương trình cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã ban hành văn bản hướng dẫn nội bộ để triển khai. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng khác đăng ký tham gia trong giai đoạn thí điểm và đề nghị các ngân hàng sẵn sàng triển khai ngay trong giai đoạn mở rộng.
Cũng theo bà Hà Thu Giang, ngân hàng cho vay bằng nguồn vốn tự huy động nên theo cơ chế thương mại với các điều kiện theo quy định hiện hành của từng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn, trung, dài hạn của tất cả các khâu (sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) trong chuỗi liên kết lúa gạo.
Đáng chú ý, các ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn, tiết giảm chi phí để xem xét áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đang áp dụng đối với khách hàng cùng kỳ hạn/cùng nhóm.
“Ngoài các chính sách ưu đãi nêu trên, các chủ thể tham gia Đề án còn được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018”, bà Hà Thu Giang nói.
Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank, tại Đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đạt khoảng 262 nghìn tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp nông thôn đạt trên 214 nghìn tỷ đồng, chiếm tới gần 82% tổng dư nợ. Trong đó, lúa gạo là sản phẩm chủ lực với dư nợ gần 33 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 12,5% tổng dư nợ, khoảng 15,2% dư nợ nông nghiệp nông thôn tại vùng. Tỉ trọng này cao hơn nhiều so với các khu vực khác.
"Để triển khai Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Agribank và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết Bản ghi nhớ số 19/TTHT/MARD-AGRIBANK ngày 8/12/2023 để cung cấp các sản phẩm dịch vụ của Agribank cho các đối tượng phù hợp với mục tiêu của Đề án, bao gồm dịch vụ tiền gửi, dịch vụ tiền vay và dịch vụ tài chính", bà Bình nói.
Khác với nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất giảm và không hạn chế cho vay vốn lưu động, ông Trần Trương Tấn Tài lại muốn ngân hàng ưu tiên cho vay trung dài hạn. Theo ông Tài, khi ngân hàng vào doanh nghiệp cho vay, họ thừa biết năng lực tài chính của doanh nghiệp khá dồi dào, do đó nhu cầu giảm lãi suất và vay vốn ngân hàng như ở Vinarice là không quá cần thiết nhưng chúng tôi lại rất cần vay vốn trung dài hạn để đầu tư công nghệ mới.
MỐI LO PHÁ VỠ LIÊN KẾT CHUỖI
Có thể thấy, đi khắp Đồng bằng sông Cửu Long, hầu như màu xanh lúa gạo, cây trái được phủ khắp. Đó là kết quả gắn bó giữa sản xuất với tín dụng ngân hàng trong hàng chục năm qua.
Dù vậy, câu chuyện được mùa rớt giá và phần lớn sản phẩm nông sản chỉ xuất khẩu vào các thị trường cấp thấp gần như là mặc định với vùng đất vẫn được gọi là “bát cơm châu Á”.
Cùng đó là lề lối sản xuất manh mún nhỏ lẻ, thiếu gắn kết, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…, cộng với biến đổi khí hậu khắc nghiệt đã báo trước những bất ổn đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực nơi này, khi mà những nhà nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao về thương hiệu, chất lượng và gắn với bảo vệ môi trường.
Đây chính là lý do sâu xa để Chính phủ ban hành Quyết định 1490/QĐ-TTg với nội dung cốt lõi “một triệu héc – ta lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp”, đồng thời lựa chọn Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai.
Cách đây khoảng 10 năm, Ngân hàng Nhà nước từng phối hợp với nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long triển khai cho vay liên kết, cho vay chuỗi, từ đó góp phần thúc đẩy hình thành những cánh đồng mẫu lớn của một số doanh nghiệp đình đám như Tân An, Lộc Trời…nhưng những đại diện như thế không nhiều và chưa trở thành xu hướng dẫn dắt sản xuất nông sản ở đây.
Thời điểm đó, Agribank và một số ngân hàng khác triển khai mô hình cho vay chuỗi liên kết ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số nơi nhưng không thành công. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu là sự phá vỡ cam kết hợp đồng của không ít hộ/doanh nghiệp trồng lúa trong chuỗi. Mặc dù họ được chủ chuỗi cung cấp giống, kỹ thuật, vật tư nhưng đã không bán cho chủ chuỗi mà tuồn ra bán bên ngoài khi giá thị trường cao hơn.
Ở lần triển khai Quyết định 1490/QĐ-TTg tại hội nghị này, cho vay chuỗi liên kết tiếp tục được đề cập và được coi là điểm nhấn của chương trình, tuy nhiên, vấn đề đơn phương phá vỡ liên kết chuỗi lại tiếp tục ám ảnh ngân hàng, chủ chuỗi.
“Ngân hàng Nhà nước biết rõ lý do cho vay chuỗi liên kết từng không thành công, đó là do thiếu vắng vai trò của Ngân hàng Nhà nước, bộ ngành liên quan và UBND các địa phương. Với việc triển khai một cách bài bản, tính toán kỹ các phương án và phân đoạn thí điểm cho đến mở rộng theo phân kỳ, chương trình chắc chắn thành công”, ông Đào Minh Tú nêu quyết tâm.
“Các chủ thể tham gia chuỗi được vay với lãi suất thấp hơn mặt bằng ít nhất 1%/năm, được vay đầu tư trung dài hạn chứ không chỉ vốn lưu động, không cần tài sản thế chấp và ngân hàng quản lý rủi ro thông qua kiểm soát dòng tiền”.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về băn khoăn phá vỡ cam kết chuỗi, ông Nguyễn Khắc Duy, Phó Giám đốc Công Ty TNHH Xuất nhập khẩu Chơn Chính (Xã Đốc Binh Kiều, Huyện Tháp Mười, Tỉnh Đồng Tháp), nói: “Chúng tôi muốn tham gia chuỗi vì nhờ đó có được nguồn vốn lớn để thu mua nhiều hơn nông sản chất lượng cao, mở rộng công suất nhà máy. Tuy nhiên, nếu gặp câu chuyện phá vỡ chuỗi thì Chơn Chính cũng có chính sách ứng xử phù hợp”.
Theo ông Chính, Chơn Chính có chính sách dù giá lên hay xuống đều chia sẻ 50/50 với nông dân. Ví dụ, chốt giá với nông dân 8 nghìn/kg nhưng giá thị trường lên 9 nghìn/kg thì sẽ đàm phá chia đôi 1 nghìn/kg giá chênh và khi giá xuống cũng như vậy. Cách thức đó không chỉ giao kết với nông dân mà cả hợp tác xã cũng vậy.
Với cách thức này, rất hiếm trường hợp phá vỡ giao kết vì chi phí người phá vỡ chuỗi bỏ ra bồi thường hoặc kiện tụng luôn lớn hơn mối lợi họ thu được. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ “cạch” duy trì giao kết làm ăn thì họ cũng gặp rắc rối khi đầu ra không ổn định.
Về vấn đề này, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Vinarice (Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), cho biết phá vỡ liên kết chuỗi chủ yếu là nông dân, bởi vậy khi ký hợp đồng liên kết với họ, doanh nghiệp cũng dành một khoản ngân sách cho địa phương để khi có sự cố, địa phương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đàm phán giải quyết theo hướng tuân thủ hợp đồng.
“Tuy nhiên, với những trường hợp không đàm phán được, Vinarice sẽ bỏ luôn vùng nguyên liệu đó để họ thấy rằng khi giá gạo biến động, không có doanh nghiệp thu mua ổn định, sẽ thiệt hại như thế nào”, ông Tài nói.
Ông Tài cho biết thêm, không ít trường hợp phá vỡ cam kết với Vinarice, khi giá biến động không có đầu ra ổn định đã đến năn nỉ nhiều lần để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu.
Bảy nội dung quan trọng tại Hội nghị triển khai Quyết định 1490/QĐ-TTg:
Thứ nhất, qua khảo sát, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy nông dân đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu canh tác, tưới tiêu, trồng trọt..., cùng với sự hỗ trợ của các nhà cung cấp giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu trong chuỗi sản xuất, đã giúp người nông dân giảm khoảng 30% chi phí đầu vào.
Thứ hai, hộ nông dân trồng lúa có lãi (thông tin ghi nhận hiện tại chi phí đầu vào cho 1 kg lúa là 3.700đ, bán ra là 8.500đ).
Thứ ba, doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính.
Thứ tư, sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo uy tín và cam kết không phá vỡ thỏa thuận trong mô hình chuỗi liên kết từ khâu trồng trọt, canh tác, thu mua, chế biến, tiêu thụ; có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia liên kết khi giá cả thị trường biến động.
Thứ năm, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong các khâu.
Thứ sáu, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuỗi khi vay vốn ngân hàng được hưởng các ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, thủ tục, hồ sơ được đơn giản hóa... Qua khảo sát cũng cho thấy nhu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trong việc vay vốn trung dài hạn để đầu tư nhà máy sấy, silo, kho chứa,... nhằm kịp thời thu mua lúa và chế biến gạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Thứ bảy, cần thay đổi lại tư duy và cách thức tổ chức sản xuât lúa gạo, muốn sản xuất hiệu quả thì phải liên kết chặt chẽ. Về phía ngành ngân hàng, nguồn lực cho chương trình này không đặt ra con số, không giới hạn nguồn vốn cho đề án này. Ngân hàng sẽ cho vay theo nhu cầu và khả năng hấp thu vốn của khách hàng.
Đây là chương trình này có tính chất ưu đãi, lãi suất giảm hơn tối thiểu 1%, hơn 2-3% thì càng tốt, nay có 4 ngân hàng thương mại nhà nước ở hội nghị này cần tham gia. Đó là quyền lợi gắn với trách nhiệm của ngân hàng, mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước kết luận tại hội nghị.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/nhieu-uu-dai-vay-thuc-hien-de-an-mot-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-va-phat-thai-thap-28851.html