Bốn câu hỏi Fed đương đầu trong cuộc họp tuần này

Thị trường sẽ nghiền ngẫm tuyên bố của Fed và những phát biểu của ông Powell để tìm kiếm manh mối về việc liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 12...

Cuộc họp kết thúc vào ngày thứ Năm (8/11) của Fed nhiều khả năng sẽ đưa ra quyết định giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Một câu hỏi lớn đặt ra vào thời điểm này là liệu Fed sẽ giảm lãi suất bao nhiêu lần nữa để vừa bảo toàn sự vững vàng của thị trường việc làm, vừa không gây đảo ngược tiến trình giảm lạm phát.

Nếu nhận được câu hỏi này, giới chức Fed có thể đưa ra câu trả lời như thường lệ rằng họ sẽ hành động tùy thuộc vào các số liệu kinh tế. Ngoài ra, Fed cũng không muốn thu hút sự chú ý khi Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử tổng thống. Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ né tránh những câu hỏi “nóng” tại cuộc họp báo vào chiều ngày thứ Năm, sau khi Fed công bố kết quả cuộc họp.

Thị trường sẽ nghiền ngẫm tuyên bố của Fed và những phát biểu của ông Powell để tìm kiếm manh mối về việc liệu Fed có tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 12. Ông Richard Clarida - người đã giữ cương vị Phó chủ tịch Fed trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2022 - nói rằng khả năng Fed giảm lãi suất vào tháng 12 là cao hơn khả năng không giảm, nhưng điều đó không hoàn toàn chắc chắn. Ông cũng cho rằng triển vọng lãi suất của năm 2025 còn khó đoán định hơn.

Theo tờ báo Wall Street Journal, có 4 câu hỏi mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed phải đối mặt trong lần họp này, và những câu hỏi đó cho thấy Fed có thể có khả năng hạn chế trong việc đưa ra một định hướng lãi suất rõ ràng:

Câu hỏi thứ nhất là liệu kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có dẫn tới những thay đổi lớn về nhu cầu trong nền kinh tế hoặc lạm phát, đòi hỏi một đường đi khác của chính sách tiền tệ?

Fed sẽ không thay đổi cách tiếp cận chính sách cho tới khi Tổng thống đắc cử Donald Trump thực thi như thế nào các chính sách mà ông đã đề xuất về thuế, thuế quan và người nhập cư. Nhưng nếu Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ, các nhà kinh tế của Fed có thể bắt đầu điều chỉnh một số dự báo mà họ đưa ra tại cuộc họp tháng 12.

Biên bản cuộc họp tháng 12/2016 của Fed cho thấy các quan chức và các nhà kinh tế của ngân hàng trung ương này đã thảo luận sôi nổi về việc làm thế nào để mô hình hóa khả năng chính sách cắt giảm thuế được thực thi. Đó là thời điểm ông Trump mới đắc cử nhiệm kỳ thứ nhất và Đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội, trong khi Fed đang dần lãi suất từ mức rất thấp.

Câu hỏi thứ hai là liệu mối lo ngại về sự suy yếu của thị trường việc làm đã bị thổi phồng quá mức?

Khi Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9, số liệu thống kê mới nhất ở thời điểm đó cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng lên mức 4,3% từ mức 3,7% vào đầu năm và tốc độ tăng trưởng việc làm cũng chậm lại. Một số nhà kinh tế lo ngại Fed có thể đã giữ lãi suất quá cao quá lâu, dẫn tới sự suy yếu không cần thiết của thị trường việc làm. Mối lo ngại đó được khuếch đại bởi một một quy tắc may rủi nói rằng một khi bắt đầu tăng một chút, tỷ lệ thất nghiệp thường sẽ tăng thêm nhiều.

Từ sau cuộc họp tháng 9 của Fed tới nay, những mối lo đó đã dịu đi phần nào nhưng vẫn chưa được giải tỏa hoàn toàn. Tăng trưởng việc làm mạnh lên trong tháng 9 nhưng lại rất yếu trong tháng 10, có thể phản ánh tác động của bão và đình công. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm về 4,1% vào tháng 9 và duy trì ở mức này trong tháng 10.

Sự thiếu rõ ràng về tình trạng của nền kinh tế, do các yếu tố thời tiết, đình công và bầu cử, sẽ khiến giới chức Fed càng khó đưa ra một hướng đi cụ thể của lãi suất.

Câu hỏi thứ ba là lạm phát sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Lạm phát thể hiện qua chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo giá cả mà Fed ưa chuộng - đang trên đà giảm tốc. Trong tháng 9, PCE tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Một thước đo khác là PCE lõi - chỉ số không bao gồm hai nhóm mặt hàng thường xuyên có biến động về giá cả là thực phẩm và năng lượng - tăng 2,7%.

Lạm phát lõi đã giảm nhiều so với năm 2023, và đó là lý do vì sao Fed cảm thấy đã đến lúc bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, một số quan chức Fed có thể muốn triển khai một tốc độ giảm lãi suất chậm hơn nếu tiến trình giảm lạm phát có dấu hiệu chững lại và nền kinh tế giữ vững nhịp tăng trưởng.

Và câu hỏi thứ tư là mức lãi suất bao nhiêu là hợp lý?

Sau hai năm tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang muốn đưa lãi suất về một trạng thái “bình thường” hơn. Tuy nhiên, họ chưa xác định được mức lãi suất như thế nào là bình thường.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhiều người cho rằng mức lãi suất bình thường hoặc “trung tính” - không gây hiệu ứng kích thích hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế - có thể dao động quanh mức khoảng 4%. Nhưng sau thời kỳ khủng hoảng và phục hồi cực kỳ chậm chạp của kinh tế Mỹ, giới chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất trung bình hoặc trung tính có lẽ đã giảm về ngưỡng khoảng 2%.

Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo vào tháng 9, ông Powell nói ông không cho rằng nước Mỹ sẽ quay trở lại với mức lãi suất trung tính thấp đến như vậy. “Chúng tôi sẽ tìm ra” lãi suất trung tính là bao nhiêu. Tôi có cảm giác là lãi suất trung tính bây giờ cao hơn nhiều so với trước”, ông nói.

Fed đã bắt đầu hạ lãi suất, và câu hỏi mức lãi suất cuối cùng là bao nhiêu sẽ ngày càng trở nên cấp bách hơn. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt, những quan chức với quan điểm cho rằng lãi suất trung tính phải cao hơn sẽ muốn giảm bớt tốc độ hạ lãi suất để tránh đưa lãi suất về thấp hơn mức trung tính.

Lãi suất quỹ liên bang của Fed hiện đang ở khoảng 4,75-5%.

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/bon-cau-hoi-fed-duong-dau-trong-cuoc-hop-tuan-nay-28856.html