Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra. Đây là một trong số 13 dự án luật được chính thức cho ý kiến trong kỳ họp quốc hội lần này.
Chia sẻ tại hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn với chủ đề “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”, ngày 14/11 do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng nền kinh tế vĩ mô suy giảm từ 2021, đến 2022 phục hồi mạnh nhưng khó khăn hơn từ quý 4.
Đến năm 2023 khó khăn nhiều hơn và sang năm 2024 có dấu hiệu phục hồi, nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức. Kỳ vọng 2025-2030, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng khá và ổn định hơn, nhưng nhiều rủi ro, thách thức khó lường.
"KHÓ CHỒNG KHÓ"
Theo TS.Lực, ngoài khó khăn chung trên, doanh nghiệp ngành đồ uống còn đối mặt với “khó chồng khó”. Ngành không được hưởng chính sách hỗ trợ thuế GTGT (giảm 2%) đối với đồ uống có cồn. Khi dịch Covid-19 ập tới, các biện pháp hành chính về tránh tụ tập, đóng cửa các cơ sở ăn uống, lưu trú, vui chơi - giải trí kéo dài... tác động tới tiêu thụ của ngành.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử lý hành chính vi phạm nồng độ cồn; chi phí, giá nguyên vật liệu chính tăng từ 15-40% cũng khiến ngành đồ uống đã khó lại càng thêm khó.
Mặt khác, ngành phải thực hiện các nghĩa vụ chính sách bắt buộc về bảo vệ môi trường từ 2024, chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu xanh, cắt giảm khí phát thải nhà kính...
Không chỉ vậy, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng trôi nổi đối với rượu, bia khá phức tạp; đặc biệt là rượu thủ công tự nấu (chiếm 63% lượng rượu tiêu thụ) hiện nằm ngoài sự quản lý. Lối sống, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp ngành phải thích ứng.
Chính bức tranh “tối màu” này đã khiến kết quả kinh doanh của ngành không có nhiều khả quan. Giai đoạn 2021 -2023 lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống giảm bình quân 10%/năm. Bộ Công Thương dự báo năm 2024 doanh thu của ngành tăng khoảng 10-12%, nhưng đây là mức tăng so với mức rất thấp của năm ngoái, còn nếu so với trước dịch thì vẫn đang bị suy giảm.
Quy mô ngành đồ uống khoảng 27 tỷ USD doanh thu; trong đó đồ uống không cồn đạt doanh thu 10,22 tỷ USD chiếm 38%, đồ uống có cồn gần 17 tỷ USD, chiếm 62%. Nếu đánh thuế vào đồ uống có cồn thì tác động tới 62% thị trường của ngành.
Đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 60 nghìn tỷ đồng/năm (riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm trên 40 nghìn tỷ đồng/năm). Giai đoạn 2021-2023, lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm: năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10% so với năm trước. Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm.
Năm 2024, hàng tồn kho ngành đồ uống tiếp tục tăng, riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp lớn trong ngành đều giảm doanh thu, lợi nhuận...
Nếu đánh giá theo giá cổ phiếu của ngành, các nhà đầu tư có cái nhìn rất tích cực, vì đây là lĩnh vực thiết yếu. Giá cổ phiếu vẫn tăng khoảng 27%, nhưng trong lĩnh vực ăn uống (liên quan tới nhà hàng, khách sạn) giá cổ phiếu giảm… chứng tỏ còn nhiều khó khăn.
XEM XÉT LÙI THỜI ĐIỂM HIỆU LỰC CỦA LUẬT
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, TS.Lực cho rằng cần tính toán mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn một cách hợp lý, hài hoà, có thời điểm và lộ trình tăng phù hợp hơn. Có thể xem xét lùi thời điểm hiệu lực của luật đến 1/1/2027.
"Nếu tăng nhanh quá, cao quá doanh nghiệp sẽ bị sốc, tổng hoà lợi ích nền kinh tế bị suy giảm, thậm chí còn tác dụng ngược liên quan tới hành vi lách luật, điều tiết sang hành vi tiêu dùng không mong muốn", TS.Lực nhấn mạnh.
Đồng ý việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống, giúp tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn, theo TS. Cấn Văn Lực, sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, thu hẹp quy mô và giá trị sản xuất, giảm giá trị tăng thêm của nền kinh tế, giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế VAT và thu nhập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần hài hoà lợi ích giữa nhà nước – doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, cần có đánh giá tác động đầy đủ, khoa học, khách quan; tăng cường đa dạng hoá nguồn thu, thay vì tận thu.
TS. Cấn Văn Lực gợi ý nên cân nhắc những mặt hàng đưa vào diện chịu thuế cần làm rõ trên nhiều cơ sở khoa học, thực tiễn, phù hợp với đặc thù Việt Nam. Đánh giá tác động ngân sách cần đa chiều hơn kể cả trước mắt và lâu dài.
Hơn nữa, cần đồng bộ nhiều chính sách, vì một thứ thuế không giải quyết được vấn đề, mà cần tăng chi ngân sách cho tuyên truyền, cho giáo dục, phòng chống buôn lậu...
Đồng thời, rà soát để có sự đồng bộ với nhiều luật khác như Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật quảng cáo, Luật chất lượng sản phẩm hàng hoá, Luật bảo vệ môi trường…
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/chuyen-gia-de-xuat-lui-thoi-diem-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-con-29169.html