Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - châu Á trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump đang khiến nhiều nền kinh tế trong khu vực lo ngại. Không chỉ có vậy, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ châu Á còn đang bất an vì xu hướng tăng của đồng USD - theo tờ báo Wall Street Journal.
Tỷ giá USD đã liên tục tăng kể từ khi ông Trump tái đắc cử, một phần bởi các chính sách mà ông đề xuất - như áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế và siết chặt kiểm soát đối với người lao động nhập cư trái phép - được dự báo sẽ đẩy lạm phát tăng lên. Trong trường hợp như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn - và kỳ vọng này đã được phản ánh qua xu thế tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thời gian qua.
Khi lãi suất của một đồng tiền tăng lên, đồng tiền đó sẽ có xu hướng tăng giá nhờ sức hấp dẫn gia tăng đối với giới đầu tư. Đối với đồng USD cũng vậy, và đà tăng của bạc xanh đang và sẽ đặt ra không ít thách thức đối với các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á.
Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính trong kế hoạch thuế quan của ông Trump - với lời cảnh báo sẽ áp thuế quan 60% hoặc hơn lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc. Nhưng ảnh hưởng từ việc áp thuế này sẽ lan rộng khắp khu vực châu Á, bởi các nền kinh tế trong khu vực có mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ. Châu Á không bao gồm Trung Quốc đang ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu của Mỹ, với tỷ trọng của khu vực này trong cơ cấu nhập khẩu của Mỹ đã tăng từ 11,7% vào tháng 10/2018 lên mức 14,7% hiện tại - theo dữ liệu từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley.
Theo một số chuyên gia, sự gia tăng đó một phần phản ánh việc hàng xuất khẩu của Trung Quốc đi qua các quốc gia châu Á khác để tránh việc bị áp thuế quan khi vào thị trường Mỹ.
Việc đồng nội tệ của các nước châu Á mất giá so với USD sẽ giúp các nước này giảm bớt tác động tiêu cực từ hàng rào thuế quan Mỹ, vì đồng nội tệ rẻ sẽ giúp gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, đồng tiền mất giá cũng làm gia tăng nguy cơ dòng vốn chảy đi. Điều này là một thách thức đặc biệt lớn đối với Trung Quốc, nền kinh tế đang đương đầu với sự giảm tốc tăng trưởng do bong bóng bất động sản xì hơi.
Trong cuộc chiến thương mại trước giữa Mỹ với Trung Quốc, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá khoảng 10% so với USD trong hai năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, thuế quan mà ông Trump dự định áp lên hàng hóa Trung Quốc sắp tới là cao hơn nhiều so với trước, nên đồng nhân dân tệ có thể sẽ giảm giá nhiều hơn. Nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ có cách tiếp cận chừng mực, đợi cho tới khi phía Mỹ đưa ra các tuyên bố cụ thể về thuế quan mới quyết định sẽ làm gì. Nhà chức trách có thể cho phép đồng nhân dân tệ mất giá một phần so với USD, nhưng có lẽ sẽ không để xảy ra tình trạng mất giá mạnh của đồng nội tệ, xét tới rủi ro dòng vốn chảy mạnh khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Nếu so với Trung Quốc, sự thoái lui của dòng vốn đầu tư không phải là một mối lo lớn đến vậy đối với các nền kinh tế châu Á khác, nhưng đồng nội tệ xuống giá cũng làm gia tăng áp lực lạm phát thông qua đẩy cao chi phí nhập khẩu hàng hóa, nhất là năng lượng và thực phẩm.
Áp lực lạm phát cao hơn có thể sẽ khiến các ngân hàng trung ương trong khu vực khó nới lỏng chính sách tiền tệ hơn. Ngoại trừ Nhật Bản, phần lớn các nền kinh tế châu Á đang được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong năm tới. Ngay cả đối với Nhật - quốc gia cuối cùng kết thúc cuộc thử nghiệm lãi suất âm - việc đồng yên giảm giá mạnh cũng có thể buộc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất mạnh hơn những gì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của cơ quan này mong muốn.
Nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á hiện đang sở hữu dự trữ ngoại hối dồi dào, nên họ sẵn sàng can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ khỏi giảm quá nhanh. Nhưng ngay cả như vậy, dòng vốn vẫn có thể chảy khỏi châu Á nếu Mỹ giữ lãi suất ở mức cao hơn so với lãi suất ở châu Á. Theo ngân hàng JPMorgan Chase, thị trường chứng khoán châu Á không bao gồm Nhật Bản đã giảm bình quân 13% trong những giai đoạn tăng giá của đồng USD từ năm 2008 đến nay.
Như vậy, trong bối cảnh châu Á “lên dây cót” cho một cuộc chiến thương mại mới có thể xảy đến, các ngân hàng trung ương ở khu vực này cũng đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/khong-chi-lo-chien-tranh-thuong-mai-chau-a-con-mat-ngu-vi-usd-tang-gia-29445.html