Đại biểu Quốc hội: Bất hợp lý khi loại toàn bộ chi phí với doanh nghiệp rủi ro cao về thuế và hoá đơn

Tại phiên thảo luận Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu cho rằng cơ quan thuế loại trừ toàn bộ chi phí liên quan các hóa đơn đầu vào không hợp pháp từ các doanh nghiệp nằm trong danh sách có rủi ro về thuế, hoá đơn trong tất cả các năm là chưa hợp lý...

Sáng ngày 28/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM DOANH NGHIỆP CÓ RỦI RO HOÁ ĐƠN

Điều hành nội dung thảo luận tại hội trường về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) với 67 ý kiến phát biểu. Các ý kiến cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục bất cập của luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, lưu ý các nội dung về người nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, chi phí được trừ, chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, thuế suất phổ thông, thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phương pháp tính thuế…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp - Ảnh: Quochoi.vn.

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, cho rằng với khoản chi với doanh nghiệp rủi ro về thuế, cơ quan thuế sẽ yêu cầu người mua hàng loại toàn bộ chi phí liên quan đến các hóa đơn cho doanh nghiệp có rủi ro về thuế, áp dụng với hóa đơn xuất ra trong tất cả các năm và tính nộp bổ sung thuế còn thiếu. 

Đồng thời, người mua cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm khi giao dịch với các doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn.

 

"Việc loại toàn bộ chi phí trong một thời gian dài như vậy chưa hợp lý, chưa phù hợp bởi nhiều doanh nghiệp ban đầu thành lập và có hoạt động hợp pháp. Do đó, cần căn cứ vào dữ liệu của cơ quan có thẩm quyền để xác định được thời điểm có dấu hiệu rủi ro về thuế, hóa đơn và chỉ loại các chi phí liên quan đến hóa đơn xuất ra trong khoảng thời gian doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn".

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.

Do đó, đại biểu cho rằng ban soạn thảo dự án luật cần bổ sung không được trừ thuế tính từ khi doanh nghiệp gặp rủi ro nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định theo hướng không được trừ chi phí của doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn theo thông báo của cơ quan thuế, tính từ thời điểm phát sinh rủi ro về thuế hóa đơn.

"Việc bổ sung quy định này giúp cho người nộp thuế bớt thiệt hại khi có những giao dịch ngay tình với những doanh nghiệp gặp rủi ro về thuế, hoá đơn", ông Thịnh phân tích.

LÀM RÕ CÁC KHOẢN CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ VÀ KHÔNG ĐƯỢC TRỪ

Cũng theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, về các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nêu rõ thứ nhất, để xem xét mức khoản chi được trừ tại Khoản 1 Điều 9 dự thảo chỉ giữ lại hai điều kiện là: khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ bao gồm cả chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ.

Đáng nói, với hoá đơn từng lần có giá trị từ 20 đồng triệu trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đã bị bỏ đi vì lý do tránh tác động bất lợi cho các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, phù hợp với đặc điểm và điều kiện hạ tầng thanh toán của ngân hàng. Đồng thời, cũng vừa hạn chế tình trạng có thể lợi dụng để chia nhỏ hoá đơn.

"Việc bỏ quy định này có thể dẫn đến việc người nộp thuế sẽ tùy tiện trong hoạt động thanh toán, có rủi ro lấy hóa đơn khống để ghi nhận chi phí. Do đó, tôi đề nghị vẫn giữ lại điều kiện này; đồng thời bổ sung nội dung loại trừ để có thêm những trường hợp đặc thù khác", ông Thịnh kiến nghị.

Nhờ đó, đảm bảo người nộp thuế tuân thủ trong việc ghi nhận chi phí hợp lý, hợp lệ, thực tế phát sinh làm cơ sở xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đúng đắn.

Thứ hai, Điểm h Khoản 2 Điều 9 của dự thảo quy định một số chi phí không liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được trừ, theo đại biểu, quy định đúng nhưng chưa đủ.

Thay vào đó, phải loại trừ các khoản chi không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như mua thẻ hội viên của các môn thể thao, giải trí phục vụ cho nhu cầu cá nhân.

Thứ ba, Điểm m Khoản 2 Điều 9 của dự thảo bổ sung chi phí không được trừ bao gồm khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật có vấn đề khi mới thành lập, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí để chuẩn bị vận hành và chi phí thường nhiều hơn doanh thu.

"Nếu quy định cứng các loại khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế thì doanh nghiệp bị thiệt hại. Vì vậy, cần sửa đổi khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ chi phí liên quan đến việc chuẩn bị đầu tư liên quan đến chi phí thành lập. Nhờ đó, bảo vệ quyền của các doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh mới thành lập", ông Thịnh kiến nghị.

Ngoài ra, theo đại biểu, cần xác định thời điểm doanh thu để tính thu nhập chịu thuế của hàng hóa được bán ra. 

Hiện Khoản 2 Điều 8 dự luật nêu rõ thời điểm xác định doanh thu:

"a) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

b) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành (toàn bộ hoặc từng phần) việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ".

Đại biểu Thịnh cho rằng cần làm rõ thêm kể cả trong trường hợp chưa thu được tiền thì doanh thu vẫn không bị ảnh hưởng, do đó, cần tính doanh thu với hàng hoá, dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. 

"Quy định rõ giúp người nộp thuế có hiểu biết đầy đủ trong việc xác định doanh thu", ông Thịnh nhấn mạnh.

Góp ý về dự luật, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cũng cho rằng vấn đề xác định thuế, tính thuế là vấn đề rất quan trọng, các cơ sở kê khai thuế, hạch toán, quyết toán theo hóa đơn, việc thu thuế rất khó khăn. Bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp dễ dàng trốn thuế nếu cơ quan thuế không phát hiện ra hành vi này. Do đó, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục được tình trạng trốn thuế, đảm bảo công bằng cho những người nộp thuế.

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/dai-bieu-quoc-hoi-bat-hop-ly-khi-loai-toan-bo-chi-phi-voi-doanh-nghiep-rui-ro-cao-ve-thue-va-hoa-don-29721.html