Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết nếu phân tích về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn, có thể thấy tín dụng cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở,… đạt 660.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn, chiếm 61,7%.
Trong khi đó, tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, tăng trưởng cao nhất. Đến nay, dư nợ cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt trên 145.000 tỷ đồng, chiếm 13,6% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng; tăng 25% so với đầu năm và tăng 46,5% so với cùng kỳ.
Ông Lệnh đánh giá: “Trong những tháng gần đây, nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng tăng trưởng gắn liền với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Các yếu tố môi trường kinh tế xã hội là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nói chung và trên địa bàn Thành phố”.
Trong đó, nhóm cho vay nhà để ở đã và đang có xu hướng tăng trưởng tốt hơn trong 3 tháng trở lại đây và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tháng 10/2024, tăng 1,3%.
“Đây là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất, vì vậy việc tăng trưởng tích cực của nhóm này sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng trưởng”, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nhận định.
Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng gia đình, cùng với tiện ích thẻ tín dụng cũng là yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố hiện nay.
Theo nhận định của các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng và mở rộng sẽ kích thích tiêu dùng và sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng ở quy mô lớn hơn.
Trong bối cảnh dư địa về tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất lớn, theo ông Lệnh, kết quả từ hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng đã góp phần phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và mang ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần phòng chống tín dụng đen hiệu quả và bảo đảm an ninh trật tự.
Số liệu từ Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy trong 10 tháng 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đạt gần 980.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Trong những tháng cuối năm, nhất là vào dịp Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán, dự báo nhu cầu mua sắm tăng mạnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên các kênh mua sắm. Đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp cuối năm.
Thời điểm cuối năm 2024, dự báo nhu cầu vốn tín dụng tăng, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/tin-dung-tieu-dung-tp-ho-chi-minh-dat-tren-1-trieu-ty-dong-trong-10-thang-29791.html