Giá vàng thế giới tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (2/1), đạt mức cao nhất nửa tháng, dù đồng USD tăng lên đỉnh mới. Nhu cầu phòng ngừa rủi ro trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức được cho là nguyên nhân phía sau phiên tăng giá này của kim loại quý.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 32,6 USD/oz so với mức chốt của năm 2024, tương đương tăng 1,24%, chốt ở mức 2.658,2 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Hơn 7h sáng nay (3/1) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 2,4 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.660,6 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 81,9 triệu đồng/lượng, tăng 1,1 triệu đồng/lượng so với phiên trước.
Giá vàng thế giới đang ở vùng cao nhất kể từ trung tuần tháng 12, dù giới phân tích cho rằng không có chất xúc tác cụ thể nào cho sự bứt phá trong phiên này.
“Tôi không thấy có tin tức gì khiến thị trường dịch chuyển, nhưng các lực lượng địa chính trị như căng thẳng quốc tế và sự bất định trên thị trường tài chính, nhất là trước lễ nhậm chức của ông Trump, đang hỗ trợ giá vàng”, nhà phân tích Rhona O’Connell của công ty StoneX nhận định.
Bước sang năm 2025, các cuộc chiến tranh ở Đông Âu và Trung Đông vẫn tiếp diễn. Cùng với đó, nhiệm kỳ sắp tới của ông Trump có thể mang tới nhiều thay đổi lớn trong các chính sách của Mỹ, từ đó có khả năng dẫn tới những biến động về kinh tế và địa chính trị trên phạm vi toàn cầu. Trong một môi trường nhiều bất định như vậy, vàng có thể phát huy tốt vai trò kênh đầu tư an toàn.
Giới phân tích dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, dù mức tăng có thể yếu hơn so với năm ngoái. Năm 2024, giá vàng tăng 27%, đánh dấu năm tăng mạnh nhất kể từ 2010, nhờ loạt yếu tố hỗ trợ gồm lãi suất giảm, các ngân hàng trung ương mua vàng, và căng thẳng địa chính trị leo thang.
“Những đợt điều chỉnh và tích lũy có thể diễn ra trên thị trường vàng vào nửa đầu năm nay, nhưng chính điều đó cũng sẽ mở đường cho một đợt tăng mới”, nhà phân tích Fawad Razaqzada của trang Forex.com nhận xét. Ông cho rằng mức giá vàng 3.000 USD/oz là hoàn toàn khả thi trong năm nay.
Phiên tăng giá ngày thứ Năm của vàng diễn ra bất chấp áp lực giảm từ xu hướng tăng duy trì của đồng USD.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác kết thúc phiên ngày thứ Năm ở mức 108,49 điểm, cao nhất kể từ cuối năm 2022. Sáng nay, chỉ số này tiếp tục đi lên, có thời điểm tăng hơn 0,7% so với mức đóng cửa phiên trước, đạt 109,25 điểm.
Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất 8 tháng là 211.000 người trong tuần trước, ít hơn con số 222.000 người mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Sự vững vàng của thị trường lao động - một dấu hiệu rõ ràng về nhịp tăng trưởng được duy trì của nền kinh tế - là lý do để giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025.
Triển vọng lãi suất Fed giảm chậm lại là động lực để USD tăng giá, đồng thời gây áp lực mất giá lên vàng. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2025, giá vàng đã chống lại được sức ép mất giá đó.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang nghiêng về khả năng Fed không hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 29/1 tới, sau khi giảm ba lần liên tiếp trong các cuộc họp vào tháng 9-11-12/2024. Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 4,25-4,5% trong lần họp tới đang là hơn 88%, trong khi khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm chỉ ở mức chưa đầy 12%.
Tuần tới sẽ có nhiều số liệu kinh tế Mỹ hơn để các nhà đầu tư định hình rõ hơn kỳ vọng lãi suất Fed, gồm các báo cáo về số lượng việc làm cần tuyển dụng, biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed và báo cáo việc làm tháng 12.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/gia-vang-tang-manh-du-dong-usd-cao-nhat-2-nam-31245.html