Chuyên gia nêu lợi thế của trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Trao đổi với VnEconomy, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng chi phí giao dịch thấp hơn nhiều so với các trung tâm tài chính quốc tế hiện tại trong khu vực sẽ là lợi thế cạnh tranh đáng kể cho trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (IFC tại TP. Hồ Chí Minh) và trung tâm tài chính khu vực (tại TP. Đà Nẵng); Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chi tiết, phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 bộ, ngành, và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về những yếu tố đột phá quyết định thành công của trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng chi phí giao dịch thấp hơn rất nhiều so với các IFC hiện tại trong khu vực là lợi thế của Việt Nam.

"Ví dụ như Singapore, chi phí thành lập doanh nghiệp tầm 5-10 nghìn USD, chi phí ký quỹ mở tài khoản ngân hàng từ 100 đến 300 nghìn USD, chi phí duy trì hoạt động doanh nghiệp với báo cáo thuế, và các chi phí phát sinh khoảng 20-30 nghìn USD, chi phí thuê mướn văn phòng 200 USD -1000 USD/m2. Trong khi đó các chi phí này ở Việt Nam rất thấp như chi phí thành lập doanh nghiệp chỉ 200 USD, duy trì doanh nghiệp khoảng 500 USD, chi phí mở tài khoản ngân hàng bằng 0, chi phí thuê mướn văn phòng rẻ chỉ bằng 1/5", vị chuyên gia dẫn chứng. 

Ông Huân đánh giá chi phí thấp sẽ là lợi thế để IFC tại Việt Nam thu hút các doanh nghiệp Fintech, các doanh nghiệp vừa và nhỏ về làm "tổ".

"Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ cộng lại thì cũng bằng một đại bàng lớn, trong khi thu hút các doanh nghiệp này lại dễ dàng hơn với chúng ta", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân phân tích.

Để đảm bảo sức hút của IFC tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân chỉ ra 2 yếu tố quyết định.

Thứ nhất, cải cách mạnh mẽ thể chế để đảm bảo đạt mục tiêu kép. Một mặt, các quy định pháp luật áp dụng cho IFC phải tiếp cận thông lệ quốc tế nhưng cần đồng thời đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia bằng cách vô hiệu hóa tác động của các cú sốc bên ngoài. Thể chế là dư địa chính sách nhắm vào tăng trưởng lớn nhất mà Việt Nam đang có.

Thứ hai, IFC tại Việt Nam cần có các mô hình giao dịch mới, tạo ra cuộc chơi mới, sân chơi mới trong lĩnh vực tài chính với sự kết hợp của công nghệ và tài chính. 

 
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

"Một mặt, các quy định pháp luật áp dụng cho IFC phải tiếp cận thông lệ quốc tế nhưng cần đồng thời đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia bằng cách vô hiệu hóa tác động của các cú sốc bên ngoài.

Thể chế là dư địa chính sách nhắm vào tăng trưởng lớn nhất mà Việt Nam đang có".

Ông Huân đề xuất Việt Nam nên xây dựng một thị trường chứng khoán phi tập trung sử dụng công nghệ blockchain, nhằm khắc phục những hạn chế của mô hình thị trường truyền thống.

"Với cơ chế tập trung hiện nay, thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều vấn đề như bảo mật kém, chi phí giao dịch cao do sự phụ thuộc vào các trung gian như sở giao dịch và công ty chứng khoán, thời gian xử lý giao dịch chậm, và thiếu minh bạch do tập trung quyền lực", vị chuyên gia nói.

Theo ông Huân, blockchain với đặc điểm phi tập trung hóa, cung cấp giải pháp loại bỏ trung gian, giảm chi phí, tăng tính bảo mật và minh bạch, đồng thời cho phép thanh toán và khớp lệnh nhanh chóng thông qua hợp đồng thông minh. Các ưu điểm nổi bật của mô hình này bao gồm khả năng chống tấn công và chỉnh sửa dữ liệu, giảm chi phí giao dịch, rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ, hạn chế làm giá và nghẽn lệnh nhờ cơ chế giao dịch ngang hàng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất là giao dịch không thể sửa đổi sau khi đã ghi vào blockchain, dễ gây rủi ro khi lệnh sai.

Mặc dù vậy, việc triển khai mô hình này được xem là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi lộ trình cụ thể và các giải pháp tối ưu để hiện thực hóa tiềm năng, góp phần xây dựng một kênh huy động vốn minh bạch, hiệu quả và bền vững cho nền kinh tế. Theo chuyên gia, nếu xây dựng được thị trường này, Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên có thị trường chứng khoán phi tập trung và sẽ mang lại một mô hình hoàn toàn mới, từ đó thu hút việc niêm yết không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà cả các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/chuyen-gia-neu-loi-the-cua-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-tai-viet-nam-31836.html