Nguyễn Văn Chung: "Tôi ước có mẹ trong giây phút tự hào nhất sự nghiệp"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả hit "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" với hơn 2 tỷ lượt xem - cho biết mẹ có sức ảnh hưởng lớn, dạy anh nhiều bài học cuộc đời, nhưng không thể chứng kiến giây phút đặc biệt nhất sự nghiệp của anh.

Viết tiếp câu chuyện hòa bình được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác hai năm trước nhưng gần đây mới trở thành hiện tượng trên mạng xã hội trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Tính đến ngày 29/4, ca khúc đạt tổng cộng hơn 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook, Instagram... và được sử dụng làm nhạc nền trong hàng trăm nghìn video ngắn. Tới 9/5, con số này vượt mốc 4 tỷ.

Chứng kiến giây phút "đứa con tinh thần" vang lên trong đại lễ 30/4, Nguyễn Văn Chung bày tỏ: "Một cột mốc mới - niềm vinh dự trong sự nghiệp nhạc sĩ của mình. Những lúc hạnh phúc thế này, ước gì có má bên cạnh". Mẹ anh qua đời hồi tháng 5/2024. Nhân Ngày của Mẹ, tác giả 43 tuổi trò chuyện với Ngôi Sao về những kỷ niệm, tình mẫu tử và bài học anh nhận được từ đấng sinh thành.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và mẹ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và mẹ.

- Sinh thời, mẹ đóng vai trò thế nào trong đời sống tinh thần của anh?

- Trước đây, tôi không hay chia sẻ với mẹ khi buồn hay mệt mỏi. Tôi luôn đợi mọi chuyện ổn rồi mới khoe bà. Hiện giờ, mỗi lần đạt được thành công, có tin vui hay nhận giải thưởng, tôi không biết chia sẻ cùng ai. Thói quen chụp màn hình gửi mẹ nay không thể tiếp tục nữa. Cảm giác đó rất trống trải và cô đơn.

Khoe với khán giả là chuyện bình thường, nhưng có một người để mình tự hào chia sẻ mới là điều xúc động. Mẹ tôi rất vui và hãnh diện, dù bà không bao giờ khen trước mặt. Mẹ chỉ đi kể với bạn bè về con trai mình.

- Còn ba anh vẫn có thể là chỗ dựa tinh thần?

- Ba có thể lắng nghe, nhưng giữa chúng tôi không có sự gắn bó thân thiết như với mẹ. Suốt thời thơ ấu, tôi ít được ở bên ba. Ông đi làm từ lúc tôi chưa thức dậy và về khi tôi đã ngủ. Hồi nhỏ tôi từng giận ba, lớn lên mới hiểu đó là sự hy sinh. Ông không đi làm thì sao có tiền nuôi cả nhà? Tôi hiểu và thương ba, nhưng sự gắn kết lại là chuyện khác, không thể bằng mẹ được.

- Cuộc sống anh thay đổi ra sao từ khi không còn mẹ kề bên?

- Nhịp sống thường nhật không thay đổi quá nhiều vì từ lâu tôi đã không sống chung hay phụ thuộc sự chăm sóc của mẹ. Tôi ở riêng nhưng gần như ngày nào cũng về ăn cơm và trò chuyện với bà.

Suốt một năm qua từ ngày mẹ mất, tôi sống khá trầm lắng, không cảm thấy điều gì quá vui. Tôi giữ sự bình ổn trong tâm trí như một cách để cân bằng. Tôi vẫn sáng tác đều, vì chỉ công việc mới kéo được tôi ra khỏi nỗi buồn. Ngày xưa thất tình hay gặp biến cố hôn nhân cũng vậy, tôi đều chọn cách lao vào làm việc để vượt qua.

Sự ra đi của mẹ khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời: Sau này mình mất, con trai sẽ thế nào, mình để lại điều gì cho con? Tâm tư đó giúp tôi sống nhẹ nhàng, không còn bị ràng buộc bởi vật chất hay danh vọng. Tôi biết mọi thành công là vô thường, hôm nay người ta yêu mến nhưng ngày mai họ có thể quay lưng nếu chuyện gì đó xảy ra. Tôi học cách đón nhận mọi thứ bằng tâm thế an yên.

Ngoài ra, mẹ dặn tôi chăm sóc ba và tiếp tục hỗ trợ những người mẹ từng giúp. Tôi đang đều đặn thực hiện điều đó.

- Đâu là bài học lớn nhất mẹ để lại cho anh?

- Mẹ luôn là người nhìn ra khuyết điểm của tôi, cả khi tôi thành công. Bà thường nói kết quả tốt đẹp là nhờ may mắn - gặp đúng thời điểm, đúng ca sĩ chứ không hẳn do tôi giỏi. Đây là điều tôi luôn ghi nhớ để không tự mãn.

Mẹ còn dạy tôi đừng quá cảm tính. Trước đây, tôi rất dễ phiền lòng, bức xúc trước những điều tiêu cực. Tôi từng lên tiếng về thứ mình thấy không hợp lý trong xã hội và nghĩ đó là sự thẳng thắn, đứng về chính nghĩa. Nhưng rồi tôi nhận ra làm vậy chẳng thay đổi được gì, chỉ khiến tôi thêm phiền phức, vướng vào thị phi không đáng. Mẹ từng khuyên: "Thay vì bức xúc, con cứ giữ quan điểm trong lòng và làm theo những gì mình tin. Đó là cách hành xử đúng đắn, hiệu quả hơn".

Tôi từng vài lần không nghe lời mẹ và phải gánh hậu quả. Sau này, tôi áp dụng lời khuyên và thấy mọi thứ tốt lên rất nhiều. Tôi sống nhẹ nhàng hơn, bớt va chạm nên hiếm khi gặp rắc rối.

- Điều gì khiến anh tiếc nuối vì chưa thể thực hiện cùng mẹ?

- Tôi không cảm thấy áy náy hay hối tiếc do đã làm hết sức trong thời gian cuối đời của mẹ. Tôi đưa bà đi chơi, thường xuyên trò chuyện, và tôi tin mình là người hiểu mẹ nhất. Khi bà qua đời, tôi chỉ còn nỗi nhớ da diết.

Về sự nghiệp âm nhạc, mẹ muốn tôi viết những ca khúc tích cực, mang tính lan tỏa, có giá trị xã hội. Điều này tôi đã thực hiện được với Nhật ký của mẹ, Cha và con gái hay các bài hát cộng đồng, nhạc thiếu nhi.

Chỉ có một điều tôi chưa thể làm, đó là mua cho mẹ một căn nhà với vườn hoa phía trước - điều bà rất thích. Nhưng tôi không quá tiếc nuối bởi bản thân thực sự chưa đủ khả năng. Những việc mình có thể làm nhưng vì chủ quan hay bận bịu nên bỏ qua thì mới đáng tiếc, còn tôi đã cố gắng hết sức rồi.

Nhạc sĩ 8X cho biết bản thân sống khá trầm lắng từ ngày mẹ qua đời.

Nhạc sĩ 8X cho biết bản thân sống khá trầm lắng từ ngày mẹ qua đời.

- Là tác giả "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" - ca khúc vượt mốc 2 tỷ lượt xem dịp 30/4, anh cảm nhận thế nào khi đứa con tinh thần của mình vang lên ở đại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước?

- Đó là niềm tự hào khó diễn tả, không chỉ hạnh phúc mà còn vinh dự sâu sắc. Giữa hàng trăm, hàng nghìn bài hát, chỉ có 5 ca khúc được chọn trình diễn ở đại lễ và hàng triệu người dân Việt Nam lắng nghe. Quả thực là giây phút hãnh diện nhất trong suốt 23 năm sự nghiệp của tôi. Hơn nữa, Viết tiếp câu chuyện hòa bình được thể hiện bởi hai giọng ca tuyệt vời: Võ Hạ Trâm và Đông Hùng. Họ hát rất nội lực, tinh tế và đầy cảm xúc.

Hôm đó, lẽ ra tôi phải có mặt tại sân khấu từ 3h sáng để tham gia cùng các nghệ sĩ khác. Tuy nhiên, tôi ngủ quên tới 5h mới dậy, đến nơi thì khu vực đã khóa, bộ phận an ninh không cho vào. Tôi đành về nhà và xem chương trình qua TV. Nhưng cũng nhờ vậy, tôi được thưởng thức toàn bộ đại lễ với đủ góc quay. Tôi cũng có cơ hội chiêm nghiệm bản thân, lắng nghe cảm xúc rõ hơn trong thời khắc ấy.

- Bóng dáng mẹ xuất hiện ra sao trong lòng anh ở giây phút đáng nhớ đó?

- Tôi chỉ ước có mẹ ngồi cạnh để chia sẻ cảm xúc tự hào. Tôi luôn thấy mình là một đứa trẻ, muốn ngồi trong lòng mẹ và khoe mỗi khi làm được điều gì tốt, kiểu như: "Má ơi, con được 10 điểm rồi nè!".

MV "Viết tiếp câu chuyện hòa bình".

Nguyễn Văn Chung sinh năm 1982, sáng tác từ đầu thập niên 2000. Anh có nhiều hit được yêu thích như Con đường mưa, Chiếc khăn gió ấm, Vầng trăng khóc, Nhật ký của mẹ, Ngôi nhà hoa hồng, Bay giữa ngân hà... Hôm 9/5, anh được Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương trao tặng Giấy khen "đã góp phần lan tỏa tinh thần yêu nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" qua ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình.

2 ca sĩ bị dân mạng so kè khi hát cùng ca khúc trong lễ diễu binh: Võ Hạ Trâm cứu Duyên Quỳnh 1 bàn thua
2 ca sĩ bị dân mạng "so kè" khi hát cùng ca khúc trong lễ diễu binh: Võ Hạ Trâm cứu Duyên Quỳnh 1 bàn thua
Võ Hạ Trâm và Duyên Quỳnh đều là những ca sĩ thực lực, thể hiện thành công ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”.
Bấm xem >>

Võ Hạ Trâm

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/nguyen-van-chung-toi-uoc-co-me-trong-giay-phut-tu-hao-nhat-su-nghiep-36708.html