Đồng yên Nhật Bản đã tăng giá mạnh trong thời gian gần đây, phát huy vai trò kênh đầu tư an toàn giữa bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh vì chính sách thuế quan của Mỹ thay đổi khó lường.
Nhưng theo một nhà quản lý tài sản toàn cầu, dù các dự báo về tỷ giá đồng yên đã khởi sắc, tầng lớp giàu có nhất ở Nhật Bản vẫn lo ngại về triển vọng của nền kinh tế và do đó chưa sẵn sàng đặt cược vào sự tăng giá của đồng nội tệ.
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg, Giám đốc đầu tư khu vực của công ty UBS SuMi Trust Wealth Management Co. ở Tokyo, ông Daiju Aoki, nói rằng một phần nguyên nhân của sự thận trọng này nằm ở việc những hộ gia đình giàu có của Nhật vẫn còn bị ám ảnh bởi giai đoạn sụp đổ của thị trường chứng khoán nước này hồi đầu những năm 1990.
“Nhiều khách hàng giàu có rất lo ngại về khả năng mất giá của đồng yên. Họ nghĩ đồng yên có thể giảm giá về 180-200 yên đổi 1 USD vì triển vọng nền kinh tế suy yếu và thiếu đầu tư vào sản xuất công nghiệp”, ông Aoki nói. Ông cho biết thêm rằng khách hàng của ông lo mức tỷ giá như vậy có thể xuất hiện “trong chu kỳ kinh tế tiếp theo” cho dù biến động chính sách thương mại của Mỹ có thể khiến việc dự báo tỷ giá đồng yên trong ngắn hạn khó khăn hơn.
Sáng 15/5, đồng yên giao dịch ở mức hơn 146,2 yên đổi 1 USD. Cuối tháng trước, đồng yên đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2024, với khoảng 142,9 yên đổi 1 USD.
Gần đây, khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại tạm thời có hiệu lực trong 90 ngày, đồng yên bắt đầu yếu đi. Hôm thứ Hai, yên giảm giá hơn 2% so với USD, về mức gần 150 yên đổi 1 USD.
Nếu đồng yên giảm giá về vùng 180-200 yên đổi 1 USD, đó sẽ là một mức tỷ giá đi vào lịch sử. Lần gần đây nhất yên Nhật giảm còn 200 yên/USD là vào năm 1986, một năm sau Thỏa ước Plaza được ký kết để làm suy yếu đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt bao gồm đồng yên.
Khi đó, đồng yên tăng giá đã đặt ra thách thức lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản, khiến Chính phủ nước này phải triển khai các biện pháp kích thích mạnh tay. Việc kích cầu như vậy đã dẫn tới tình trạng bong bóng chứng khoán, rồi bong bóng vỡ vào khoảng năm 1990, xóa sạch thành quả tăng của hàng thập kỷ trước đó.
Hiện nay, các chỉ số chứng khoán chính của Nhật Bản đã phục hồi trở lại mức trước khi vỡ bong bóng và đồng yên cũng đã giảm giá về mức của giai đoạn đó. Tuy nhiên, sự thay đổi của nền kinh tế Nhật Bản trong những thập kỷ kể từ giai đoạn vỡ bong bóng đã trở thành một phần nỗi lo sợ của tầng lớp giàu có ở nước này.
Từng được coi là một siêu cường kinh tế sở hữu sức mạnh xuất khẩu - với các mặt hàng từ điện tử cho tới ô tô - dường như không gì cản được, Nhật Bản giờ đây đang đương đầu với tình trạng dân số giảm và lão hóa, trong khi phần lớn sự sáng tạo của thế giới đang diễn ra ở những nước như Mỹ và Trung Quốc.
Lạm phát ở Nhật, từ chỗ thấp đến gần như không tồn tại trong phần lớn thời gian từ giữa những năm 1990, hiện đang tăng tốc - trái ngược với sự xuống thang của lạm phát tại phần lớn các nền kinh tế phát triển khác. Lạm phát tăng khiến lượng tiền mặt khổng lồ này mà các gia đình giàu có ở Nhật trong cất trong tài khoản ngân hàng ngày càng mất giá.
“Người giàu Nhật đang thực sự hoài nghi về nền kinh tế”, ông Aoki nói, cho rằng nếu không có sáng tạo và tăng trưởng dân số, “nền kinh tế Nhật sẽ không có đủ yếu tố hỗ trợ”.
Mối hoài nghi này dẫn tới việc một số khách hàng Nhật giàu có của ông Aoki tăng dần tỷ trọng nắm giữ tài sản nước ngoài, trong khi một số khác tìm sự an toàn của vàng. Dù vậy, tâm trạng lo lắng có thể đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư Nhật “cảm thấy nắm giữ tiền mặt vẫn là tốt hơn” - nhà quản lý tài sản này cho biết.
Ông Aoki nhận định rằng đồng yên cần giảm giá thêm hơn 20% nữa, về mức 180 yên đổi 1 USD, để khách hàng của ông giảm ham thích đối với việc nắm giữ tiền mặt.
Mùa hè năm ngoái, đồng yên đã giảm giá dưới mức hơn 160 yên đổi 1 USD trong vòng 2 tuần, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhật Bản tỏ ra không mấy hào hứng. “Mức 160 yên là chưa đủ để nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn mạnh vào thị trường Nhật Bản. Bởi vậy, đồng yên có thể tiếp tục giảm giá cho tới khi các công ty Nhật Bản quay về nước và các công ty nước ngoài đầu tư vào Nhật để phát triển hạ tầng ở đây”, ông Aoki nhận định.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/vua-om-tien-mat-gioi-nha-giau-nhat-vua-lo-dong-yen-mat-gia-36876.html