Fed tính điều chỉnh chiến lược chính sách tiền tệ

Phát biểu ngày 15/5 của ông Powell cho thấy Fed có thể đang dịch chuyển theo hướng tiếp cận chiến lược mới, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động...

Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảm thấy cần phải xem xét lại các yếu tố chủ chốt liên quan tới cả thị trường việc làm và lạm phát trong cách tiếp cận chính sách tiền tệ hiện nay, xét tới thực tế lạm phát mấy năm gần đây và khả năng các cú sốc nguồn cung cũng như sự tăng giá do những cú sốc đó có thể xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu ngày 15/5.

“Chúng ta có thể đang bước vào một thời kỳ mà các cú sốc nguồn cung có thể xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn, đặt ra một thách thức đối với nền kinh tế và các ngân hàng trung ương”, ông Powell nói trong bài phát biểu khai mạc một hội thảo diễn ra trong hai ngày được Fed tổ chức để rà soát phương pháp tiếp cận chính sách tiền tệ đã theo đuổi từ năm 2020 tới nay.

“Môi trường kinh tế đã thay đổi nhiều từ năm 2020, và việc rà soát sẽ phản ánh đánh giá của chúng tôi về những thay đổi đó”, ông Powell nói. Trong bài phát biểu, ông Powell không tập trung vào chính sách tiền tệ hiện tại hay triển vọng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ông có nói rằng mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng.  giảm còn 2,2% trong tháng 4, một mức lạm phát yếu nhưng có thể chưa phản ánh tác động của sự gia tăng giá cả hàng hóa do thuế quan.

Đây vẫn sẽ là một “kết quả khác thường mang tính chất lịch sử”, vì lạm phát đã giảm sâu khỏi mức đỉnh thiết lập trong thời gian đại dịch mà không gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế, cho thấy chiến lược hiện tại của Fed đã tạo ra được một cuộc “hạ cánh mềm”. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện là 4,2%, cao hơn so với cách đây 1 năm, nhưng vẫn gần với mức mà giới chức Fed đánh giá là toàn dụng việc làm.

Tuy nhiên, những phát biểu của ông Powell cho thấy Fed có thể đang dịch chuyển theo hướng một cách tiếp cận chiến lược mới mà ở đó các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ truyền đạt rõ ràng hơn về kế hoạch của họ trong việc đón đầu các cú sốc giá cả tiềm ẩn trong tương lai. Đây là điều mà giới phân tích đã kêu gọi Fed thực hiện sau khi ngân hàng trung ương này có phản ứng chậm chạp với sự leo thang của lạm phát vào năm 2021.

Sự thận trọng với lạm phát là một lý do khiến Fed tránh đưa ra những kết luận nhanh chóng về tác động từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đối với nền kinh tế. Thuế quan đã khiến Fed khó đánh giá được tình trạng sức khỏe và hướng đi của nền kinh tế, và giới chức Fed cũng chưa thể xác định một cách chắc chắn nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu đã thay đổi như thế nào do đại dịch.

Chẳng hạn, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập thị trường giúp ghìm giữ lạm phát ở mức thấp trước đại dịch có thể đang bị đảo ngược do các công ty thiết kế các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và phản ứng với cuộc chiến thương mại đang diễn ra.

Quan điểm hiện tại của Fed là chờ đợi, giữ nguyên lãi suất trong khoảng 4,25-4,5%, cho tới khi những câu hỏi trên có được câu trả lời.

Cùng với đó, từ đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã thảo luận về làm thế nào để thay đổi cách tiếp cận bao trùm về chính sách tiền tệ - với tất cả nội dung được chứa đựng trong một tài liệu gồm những yếu tố như mục tiêu lạm phát 2% và cách thức làm thế nào để đạt mục tiêu đó, song song với thực thi một sứ mệnh khác của Fed là mang lại sự toàn dụng việc làm trong nền kinh tế.

Cách đây 5 năm, Fed vạch ra phương pháp tiếp cận chính sách tiền tệ được áp dụng cho tới hiện nay để tạo dư địa rộng hơn cho việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và cam kết sử dụng những giai đoạn lạm phát cao để bù lại những năm lạm phát thấp - điều thường xảy ra trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019. Cụ thể hơn, lạm phát sẽ được tính bình quân trong một khoảng thời gian để xác định đã đạt mục tiêu hay chưa.

Sau đó, lạm phát ở Mỹ đã tăng mạnh, cùng với những biến động trong nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới việc Fed có thể cần phải xem xét lại cách tiếp cận chính sách tiền tệ hiện nay - ông Powell nói.

“Trong các cuộc thảo luận của chúng tôi cho đến thời điểm này, những người tham dự đều đưa ra quan điểm rằng sẽ là phù hợp nếu chúng tôi điều chỉnh cách diễn đạt về sự thiếu hụt việc làm”, ông Powell nói. Một sự thay đổi như vậy đồng nghĩa Fed sẽ không xem tỷ lệ thất nghiệp thấp là một dấu hiệu của rủi ro lạm phát - ông giải thích.

“Tại cuộc họp của chúng tôi vào tuần trước, chúng tôi cũng có đánh giá tương tự về về mục tiêu lạm phát bình quân. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tuyên bố đồng thuận của chúng tôi sẽ phù hợp với nhiều môi trường kinh tế và diễn biến kinh tế khác nhau”, ông Powell nhấn mạnh.

Theo Reuters, những phát biểu này của Chủ tịch Fed cho thấy ngân hàng trung uong quyền lực nhất thế giới có thể sắp có sự điều chỉnh mạnh mẽ đối với chiến lược hiện tại - cách tiếp cận mà khi mới được công bố đã được coi là một sự chuyển biến lớn tại Fed. Lần thay đổi này, Fed có thể sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn để thúc đẩy một thị trường việc làm mạnh hơn và chấp nhận lạm phát cao hơn sau những thời kỳ lạm phát yếu.

Tuy nhiên, “ý tưởng về một giai đoạn lạm phát tăng vừa phải có chủ đích đã cho thấy là không phù hợp với các cuộc thảo luận chính sách của chúng tôi, và điều này vẫn duy trì cho tới nay” sau giai đoạn lạm phát tăng gần tới mức hai con số khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau đại dịch - ông Powell cho hay.

Ông nói rằng việc điều chỉnh chiến lược chính sách tiền tệ của Fed có thể được đưa ra “trong vài tháng tới”. Chiến lược hiện tại của Fed đã được công bố tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Fed ở Wyomming hồi năm 2020.

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/fed-tinh-dieu-chinh-chien-luoc-chinh-sach-tien-te-36921.html