Đang có nhiều yếu tố hỗ trợ đồng yên Nhật tăng giá so với USD

Sau khi tăng giá mạnh trong nửa đầu năm 2025, đồng yên Nhật Bản đang bước sang tháng 7 với nhiều lợi thế, bao gồm yếu tố mùa vụ...

Trong vòng 5 năm qua, tháng 7 năm nào đồng tiền này cũng tăng giá.

Theo hãng tin Bloomberg, yếu tố mùa vụ đó có thể khuyến khích nhà đầu tư tiếp tục mua vào đồng yên sau khi đồng nội tệ của Nhật Bản đã tăng giá 9% trong vòng 6 tháng qua, trong bối cảnh thương chiến toàn cầu và việc Tổng thống Donald Trump gây sức ép đòi giảm lãi suất ở Mỹ đặt ra áp lực giảm giá lớn đối với đồng USD.

Trong thời gian từ năm 2020-2024, đồng yên đã tăng giá so với đồng USD trong tất cả các tháng 7, với mức tăng đạt bình quân 2,8%, đưa tháng 7 trở thành tháng tăng mạnh nhất của đồng tiền này trong khoảng thời gian đó.

Giới phân tích cho rằng sự vượt trội của đồng yên trong tháng 7 những năm qua xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, gồm sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), hoạt động điều chỉnh danh mục của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ hè vào tháng 8, hay việc các công ty xuất khẩu của Nhật Bản đổi ngoại tệ sang nội tệ để trả cổ tức. Những yếu tố này có thể lặp lại trong tháng 7 năm nay, nhưng động lực chính cho đà tăng hiện nay của đồng yên lại là sự giảm giá trên diện rộng của đồng USD.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư đã tính đến khả năng đồng yên tăng giá mạnh hơn một khi đàm phán thương mại Mỹ - Nhật mang lại một thỏa thuận. Họ cho rằng phía Washington có thể gây sức ép đòi hỏi Tokyo để cho đồng yên tăng giá so với USD nhằm mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Mỹ. Việc có một thỏa thuận thương mại cũng sẽ giúp giải tỏa mối lo thuế quan cao đang đè nặng lên triển vọng kinh tế Nhật Bản.

Bên cạnh đó, chủ trương tiếp tục tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới tiếp tục hạ lãi suất cũng có lợi cho tỷ giá yên. Tuần trước, thành viên có quan điểm cứng rắn nhất về chính sách tiền tệ của BOJ nói rằng cơ quan này có thể sẽ cần phải tăng lãi suất nếu lạm phát tăng, ngay cả khi tình trạng bất định kinh tế còn kéo dài.

Thị trường phái sinh đang đặt cược khả năng 40% BOJ sẽ nâng lãi suất trong thời gian từ nay đến cuộc họp tháng 10, và khả năng 50% cơ quan này tăng lãi suất trước cuối năm nay. Theo dữ liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), số lượng ròng vị thế đặt cược vào sự tăng giá của đồng USD đã tăng thêm 7.301 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, đạt mức 15.935 hợp đồng.

“Đồng yên có thể tăng giá mạnh hơn”, nhà quản lý quỹ Hiroshi Namioka của công ty T&D Asset Management Co. nhận định. Ông kỳ vọng đàm phán thương mại Nhật - Mỹ sẽ đạt bước tiến trong tháng này và BOJ sẽ tiếp tục đưa ra tín hiệu về việc tăng lãi suất, hỗ trợ cho tỷ giá đồng yên.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda ngày 1/7 khẳng định lại quan điểm sẽ đợi có thêm dữ liệu kinh tế mới đưa ra quyết định chính sách tiền tệ tiếp theo. Đây là một tín hiệu cho thấy BOJ sẽ không vội có đợt tăng lãi suất tiếp theo.

“Chúng tôi sẽ đợt thêm xem lạm phát như thế nào rồi mới quyết định”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Ueda tại diễn đàn ngân hàng trung ương thường niên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức ở Sintra, Bồ Đào Nha.

Ông Namioka nhận định các nhà đầu cơ giá lên đồng yên có thể gia tăng vị thế nắm giữ đồng tiền này trước kỳ nghỉ hè vào tháng 8. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiến hành chuyển đổi doanh thu từ nước ngoài bằng USD sang yên trước khi bước vào giai đoạn nghỉ hè.

Chiến lược gia Takeshi Ishida của ngân hàng Kansai Mirai Bank Limited nhận định mức tăng của đồng yên trong tháng 7 năm nay, nếu có, nhiều khả năng sẽ thấp hơn mức tăng hơn 7% ghi nhận vào tháng 7 năm ngoái. Thị trường đang bước vào kỳ nghỉ hè với một vị thế đầu cơ giá lên đồng yên lớn lịch sử, nên vị thế này có thể đảo ngược bất kỳ lúc nào, khiến đồng yên yếu đi.

Ngoài các yếu tố cụ thể liên quan tới đồng yên, đường đi của tỷ giá đồng USD trong tháng này cũng có thể ảnh hưởng tới đồng tiền Nhật Bản. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm khoảng 10,8% trong 6 tháng đầu năm nay, đánh dấu nửa đầu nằm tồi tệ nhất kể từ năm 1973.

“Xu hướng của thị trường ngoại hối năm 2025 là đồng USD suy yếu. Một phần lớn nguyên nhân ở đây là cuộc chiến thương mại. Thương chiến có thể căng thẳng trở lại trong tháng 7 này và điều đó sẽ không có lợi cho đồng USD”, nhà phân tích Adam Button của trang Forexlive.com nhận xét.

Trong phiên giao dịch ngày 3/7 tại thị trường châu Á, đồng USD tăng giá nhẹ so với yên, có lúc đạt mức 1 USD đổi gần 143,9 yên.

Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/dang-co-nhieu-yeu-to-ho-tro-dong-yen-nhat-tang-gia-so-voi-usd-38967.html