Liên quan đến vấn đề phòng chống lãng phí tài sản công sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết bộ đã chủ động rà soát và kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, xử lý nhà đất là tài sản công.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ ngành, cơ quan lập tổ công tác liên ngành để xử lý các vấn đề liên quan sắp xếp và xử lý tài sản công. Đến nay, tổ công tác đã làm việc trực tiếp với 63 tỉnh thành và có hướng dẫn chi tiết đến từng địa phương, đặc biệt là đối với những trường hợp gặp vướng mắc trong xác định quyền quản lý và sử dụng tài sản sau tinh gọn.
"Việc đánh giá hiện trạng sử dụng tài sản công phải dựa trên hướng khách quan, tránh tình trạng “thấy dư là lập tức loại bỏ”. Chỉ khi hoàn tất giai đoạn rà soát sau 90 ngày, cơ quan chức năng mới đủ cơ sở để tổng hợp và công bố số liệu chính thức về tình trạng nhà, đất dôi dư."
Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính).
Trước đó, vào đầu tháng 6/2025, Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn công tác vào làm việc tại 3 tỉnh phía Nam, nơi phát sinh khối lượng lớn tài sản công dôi dư bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương.
Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 6, tổng số lượng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố là 3.895 cơ sở; tổng số cơ sở tiếp tục sử dụng là 3.430 cơ sở và tổng số cơ sở dôi dư sau sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính là 231 cơ sở.
Bên cạnh đó, vẫn tồn tại tình trạng nhiều trụ sở làm việc dôi dư tại các địa phương bị bỏ hoang sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo Bộ Tài chính, các cơ sở nhà đất dư dôi bị bỏ hoang tại một số tỉnh xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: (i) điều chỉnh quy hoạch, (ii) công tác rà soát, cập nhật quy hoạch, (iii) số lượng cơ sở dư dôi phát sinh lớn.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, nguyên tắc hàng đầu khi sắp xếp tài sản công là phải đảm bảo hoạt động cho bộ máy mới. Đối với tài sản dôi dư, cần ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục và các mục đích công cộng thay vì bán hoặc chuyển nhượng. Qua nắm bắt tình hình thực tế, phần lớn các địa phương không gặp nhiều vướng mắc trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công, bà Thoa nói.
Cũng tại phiên họp báo, ông Nguyễn Đức Chi,Thứ trưởng Bộ Tài chính, nhấn mạnh, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều chính sách, văn bản hướng dẫn cụ thể về cách sắp xếp, xử lý tài sản công như: điều chuyển đơn vị, điều hòa cho trung ương, địa phương… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn cần đảm bảo việc sử dụng tài sản công đúng mục đích, hiệu quả và tránh lãng phí.
Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình sắp xếp và xử lý tài sản công. Đồng thời, theo dõi sát sao nếu có vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền sẽ kịp thời hướng dẫn hoặc báo cáo cấp trên xử lý giúp các địa phương thực hiện thông suốt.
Link nội dung: https://phunuvangaynay.com/hoan-tat-bao-cao-tai-san-cong-sau-90-ngay-sap-xep-lai-bo-may-38971.html