Thu Trang kêu cứu

Hàng loạt đại diện doanh nghiệp trong đó có Thu Trang, Đức Thịnh... đồng thuận, ký vào văn bản gửi đến Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, theo dự thảo này, thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong đó có điện ảnh tăng từ 5% lên 10%.

Theo văn bản ngày 12/11, hàng loạt đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam như BHD Việt Nam , CJ CGV Việt Nam, Lotte Cinema Việt Nam, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim... đều đóng dấu và ký tên trong văn bản này.

Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi như đạo diễn Charlie Nguyễn, Nguyễn Quang Dũng, Nhất Trung, Hàm Trần, Hoàng Quân, Trần Thị Bích Ngọc... Liên quan đến đề xuất tăng thuế VAT từ 5% lên 10% theo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng , các đại diện không đồng tình với việc ban soạn thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh.

Thu Trang kêu cứu - Ảnh 1.

Trong văn bản nêu rõ 3 lý do các doanh nghiệp không đồng thuận với đề xuất tăng thuế VAT lên 10% . Lý do đầu tiên được nêu ra rằng các quan điểm, nguyên tắc và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh là nhất quán trên tinh thần hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Đề xuất tăng thuế này lại không phải chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh. "Nếu Nhà nước không thể giảm thuế thì chúng tôi xin đừng tăng thêm thuế cho người dân khi thụ hưởng các giá trị điện ảnh do chúng tôi phục vụ. Có như vậy, các khoản thuế giá trị gia tăng sẽ không làm cho giá dịch vụ tăng thêm cho công chúng", văn bản nêu rõ.

Các đại diện doanh nghiệp cũng nhấn mạnh việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh , làm cho thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi thêm sâu sắc trong khi sức mua của họ đang giảm.

Thu Trang kêu cứu - Ảnh 2.
Thu Trang kêu cứu - Ảnh 3.

"Trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, ngành điện ảnh đang gặp những khó khăn hữu hình và hiện thực, việc thay đổi thuế suất theo hướng tăng lên 2 lần mà không có cơ sở thực tiễn, khoa học sẽ khó thuyết phục được người dân và doanh nghiệp", các đại diện doanh nghiệp cho biết.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng khiến ngành điện ảnh gặp khó. Tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch).

Bối cảnh kinh doanh của ngành điện ảnh Việt Nam cũng đã có những thay đổi nhất định do sự thay đổi thói quen của khán giả trong việc hưởng thụ và sử dụng dịch vụ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cuối cùng các đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh ngành điện ảnh chỉ có thể phục hồi được khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành bằng các chính sách thiết thực, đặc biệt là chính sách thuế. Họ cũng đề nghị mức thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3%.

Hiện tại, văn bản này được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội kèm hashtag #Khôngtăngthuếđiệnảnh. Nhiều nhà sản xuất, đại diện doanh nghiệp nhanh chóng lan truyền đơn kêu cứu này để mong Chính phủ, Quốc hội không điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng đối với lĩnh vực văn hóa , thể thao, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh.