Bộ Y tế kêu gọi tăng cường cảnh giác về an toàn thực phẩm

Bộ Y tế cảnh báo tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn...

Nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ các món ăn đường phố được chế biến, bảo quản không đúng. Ảnh minh họa: Unsplash.

Trong văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, Bắc Ninh ngày 11/5, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố…

Đặc biệt là bảo quản đảm bảo an toàn đối với các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá tạo điều kiện cho vi khuẩn hiếm khí phát triển, ví dụ Clostridium botulinum.

Về công tác quản lý, Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người trên địa bàn quản lý.

Liên quan các cơ sở, vụ việc xảy ra do không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm; cấp cứu, điều trị kịp thời và bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân; hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc.

Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cần biết:

Ngộ độc thực phẩm hay ngộ độc thức ăn (trúng thực) là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do ăn uống phải những thức ăn, đồ uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc các loại thực phẩm bị biến chất, ôi thiu, chứa các chất bảo quản, phụ gia… vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc 1-2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn gây hại.

Các triệu chứng này ở mức độ nặng hay nhẹ, kéo dài trong thời gian bao lâu còn tuỳ vào các yếu tố bao gồm tác nhân gây ra, lượng thực phẩm được sử dụng và hệ miễn dịch của người bệnh.

Những triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường gặp gồm:

Đau bụng, tiêu chảy, chán ănBuồn nôn, nôn mửaTrong phân hoặc chất nôn có xuất hiện máuBị sốtCơ thể yếu ớt, mệt mỏiĐau đầu, choáng váng, chóng mặtỚn lạnh, rùng mìnhĐau khớp và cơ

Cuốn sách "Ăn thông minh, sống bình yên" của tác giả Makita Zenji giải thích về lý do càng nhiều tuổi càng cần hạn chế đường một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, cuốn sách cũng thông tin về các vấn đề lớn của chỉ số đường huyết; về cơ chế của các vấn đề béo phì, lão hóa và bệnh tật, cung cấp chế độ ăn uống hợp lý giúp bạn đảm bảo chỉ số đường huyết, tránh các bệnh liên quan đến đường huyết.