Chi phí hỗ trợ cán bộ, công chức Bộ Tài chính thôi việc chiếm 76% trong tổng gần 15 nghìn tỷ đồng

Gần 15.000 tỷ đồng chi chế độ cho 13.168 cán bộ, công chức trung ương thôi việc khi tinh gọn bộ máy. Trong đó, Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất, số tiền hỗ trợ chiếm hơn 76% tổng kinh phí...

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 974/QĐ-TTg bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương (đợt 3). Theo đó, bổ sung 14.940 tỷ đồng để giải quyết chính sách cho 13.168 cán bộ, công chức tại các cơ quan trung ương theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP.

Quyết định cũng nêu rõ các Bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý, sử dụng số kinh phí được giao để chi trả đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, chế độ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Nghị định số 67/2025/NĐ-CP, Thông tư số 07/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực và khiếu kiện.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 62/CĐ-TTg ngày 12/5/2025 về việc triển khai thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Những đơn vị có nhiều cán bộ tinh gọn, kinh phí hỗ trợ cao nhất (VnEconomy cập nhật từ  Quyết định 974/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) Những đơn vị có nhiều cán bộ tinh gọn, kinh phí hỗ trợ cao nhất (VnEconomy cập nhật từ  Quyết định 974/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ)
 

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 196/2025/QH15 ngày 17/05/2025 bổ sung 44 nghìn tỷ đồng dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Trường hợp nhu cầu kinh phí phát sinh vượt mức, Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để thực hiện.

Bộ Tài chính là đơn vị có số lượng người được hỗ trợ nhiều nhất, lên tới 10.444 người, với tổng kinh phí 11.407,336 tỷ đồng, chiếm hơn 76% tổng kinh phí hỗ trợ khối cơ quan Trung ương.

Tòa án Nhân dân tối cao nhận được 1.195,193 tỷ đồng hỗ trợ cho 879 người, đứng thứ hai về tổng kinh phí. 

Bộ Xây dựng có 405 người được hỗ trợ, với tổng số tiền 509,658 tỷ đồng, đứng thứ ba về tổng kinh phí.

Một số đơn vị khác có mức hỗ trợ đáng kể gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 291 người nhận 303,545 tỷ đồng; Văn phòng Quốc hội 74 người nhận 74,588 tỷ đồng; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 51 người được hỗ trợ 66,190 tỷ đồng; Bộ Dân tộc và Tôn giáo 57 người nhận 71,060 tỷ đồng.

Một số cơ quan có số người được hỗ trợ ít như Thanh tra Chính phủ: chỉ 1 người được hỗ trợ, nhận 1,882 tỷ đồng; Văn phòng Chủ tịch nước và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: mỗi đơn vị chỉ có 3 người được hỗ trợ, với mức kinh phí cho mỗi đơn vị lần lượt là 2,647 tỷ đồng và 2,913 tỷ đồng.