Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng

Phim Việt “Mưa trên cánh bướm” không chỉ kể câu chuyện gia đình đầy bi kịch mà còn khéo léo đan cài những yếu tố siêu nhiên. Dù còn hạn chế, tác phẩm vẫn xứng đáng với những tán dương mà giới phê bình quốc tế dành tặng.

Mưa trên cánh bướm (Tựa quốc tế: Don't Cry, Butterfly) là phim Việt khởi động năm 2025. Tác phẩm thuộc thể loại art-house (phim nghệ thuật) kén người xem, lại không được quảng bá rầm rộ. Nhưng câu chuyện thì gần gũi với cách khai thác đề tài độc đáo, thú vị.

Trước khi công chiếu tại quê nhà, dự án có hành trình dài chinh phục khán giả quốc tế, thắng hai giải Phim xuất sắc (thuộc Tuần lễ các nhà phê bình) và Phim sáng tạo nhất tại LHP Venice 2024.

Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng

Phim kể về câu chuyện của Tấm (Tú Oanh), một phụ nữ trung niên làm nghề tổ chức đám cưới ở Hà Nội. Cuộc sống của bà trôi qua khá yên bình, khi rảnh thì thường tâm sự với mấy người bạn cùng khu phố.

Một ngày, Tấm phát hiện chồng mình là Thanh (Lê Vũ Long) ngoại tình theo cách khó tưởng tượng: Thông qua một trận bóng đá được phát trên sóng truyền hình.

Sau đó cuộc sống của hai mẹ con Tấm bỗng chốc thay đổi. Hà (Nguyễn Nam Linh) - con gái bà -  tức giận và thất vọng về bố, càng quyết tâm bỏ xứ đi du học.

Tấm thì khác. Bà tìm đến một thầy đồng với niềm tin có thể thay đổi được chồng. Song, những nghi thức bí ẩn lại vô tình mời gọi một thế lực đen tối trong nhà mà chỉ hai mẹ con Tấm mới có thể nhìn thấy.

Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 1.

Mưa trên cánh bướm là phim đầu tay của nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh (sinh năm 1990). Trước đó, chị từng thực hiện một số phim ngắn như Mẹ, con gái và những giấc mơ (2018), Ngọt, mặn (2018), Thiên đường gọi tên (2020).

Các tác phẩm của Dương Diệu Linh thường xoay quanh những phụ nữ trung niên, đối diện với cảm xúc tiêu cực về cuộc sống. Mưa trên cánh bướm cũng không là ngoại lệ. Tác phẩm chẳng hề lãng mạn như nhan đề gợi mở mà có nhiều đoạn gai góc, chạm đến những vấn đề xã hội quen thuộc như định kiến xã hội, áp lực phụ nữ, mâu thuẫn gia đình...

Khi câu chuyện chồng ngoại tình bị vỡ lẽ, Tấm không nhận được sự an ủi từ những người xung quanh. Trái lại, họ ngầm trách bà, cho rằng vợ không biết cách giữ chồng.

Những lời buộc tội đầy định kiến càng khiến người phụ nữ trở nên khép kín và tổn thương. Thay vì đối mặt với sự phản bội của chồng, bà tìm cách “chữa cháy ” cuộc hôn nhân vốn đã tan vỡ từ lâu.

Kể lại câu chuyện, đạo diễn Dương Diệu Linh cố gắng kết nối hai chủ đề gần như không liên quan: Bi kịch gia đình và ám ảnh về thế lực bóng tối.

Các yếu tố siêu nhiên, tâm linh trong phim chưa thực sự ăn nhập với câu chuyện ngoại tình hay mâu thuẫn gia đình Tấm. Song, hướng đi này lại giúp bộ phim có được sự mới lạ, khác biệt với nhiều tác phẩm cùng chủ đề.

Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 2.
Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 3.
Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 4.
Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 5.

Đậm tính ẩn dụ

Xuyên suốt bộ phim, Dương Diệu Linh cài cắm nhiều ẩn ý khiến khán giả phải suy ngẫm. Điển hình là hình ảnh trần nhà rò rỉ lặp đi lặp lại, như tượng trưng cho những gánh nặng đè nặng lên vai Tấm mỗi ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật chính mang tên Tấm. Bà là hình mẫu điển hình của phụ nữ châu Á: Luôn âm thầm chịu đựng nỗi đau, tìm cách vượt qua khó khăn để làm tốt vai trò người vợ, người mẹ.

Hai mẹ con Tấm và Hà cũng cho thấy khoảng cách thế hệ. Tấm giằng co giữa khát khao độc lập và áp lực từ trách nhiệm gia đình. Hà đại diện cho thế hệ trẻ với tư tưởng mới, muốn chạy trốn khỏi sự kiểm soát của bố mẹ.

Mơ ước của Hà không được Tấm ủng hộ, nhưng trong thâm tâm bà cũng muốn thoát khỏi sự tù túng của cuộc hôn nhân lạnh nhạt.

Bên cạnh cách khai thác chủ đề, phim cũng để lại ấn tượng tốt về phần diễn xuất. Hóa thân Tấm, diễn viên Tú Oanh ghi điểm với lối diễn nặng về nội tâm, thể hiện được những mâu thuẫn chồng chéo bên trong một nhân vật phức tạp.

Ngược lại, Nguyễn Nam Linh mang đến sự tươi trẻ trong vai Hà, cho thấy sự khác biệt giữa hai thế hệ.

Chồng ngoại tình, vợ đi tìm thầy đồng - Ảnh 6.

Khi ra mắt thị trường quốc tế, Mưa trên cánh bướm nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. Screen Daily đánh giá tác phẩm là “sự pha trộn kỳ lạ giữa chủ nghĩa nữ quyền, tín ngưỡng và văn hóa dân gian”. Dẫu vậy, lối kể chuyện của Dương Diệu Linh hơi rời rạc và gây mất tập trung.

Cây viết Panos Kotzathanasis của Asian Movie Pulse cho rằng phim còn một vài thiếu sót, chủ yếu do đạo diễn chưa có nhiều kinh nghiệm. Song, đây vẫn là một bộ phim đầu tay “giàu tiềm năng”, thể hiện sâu sắc những đấu tranh của phụ nữ trước áp lực gia đình và xã hội thông qua loạt hình ảnh ẩn dụ.

Nhìn chung, Mưa trên cánh bướm không hề khó xem dù thuộc thể loại art-house. Phim còn một vài hạn chế nhưng vẫn để lại dấu ấn nhờ hướng xử lý mới mẻ của đạo diễn.