Thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba (1/4) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, trong đó S&P 500 và Nasdaq tăng nhưng Dow Jones giảm. Nhà đầu tư đang thận trọng trước khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại, hay còn gọi là thuế đối ứng, vào ngày 2/4 như kế hoạch.
Giá dầu thô cũng không giữ được mức đỉnh của 5 tuần thiết lập trong phiên trước do mối lo rằng thuế quan có thể gây suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,8%, đạt 5.633,07 điểm. Nasdaq tăng 0,87%, đạt 17.449,89 điểm. Dow Jones giảm 0,03%, còn 41.989,96 điểm.
Tình trạng giằng co của S&P 500 trong phiên này là sự tiếp nối của xu thế trong phiên đầu tuần. Ở đỉnh của phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ tăng 0,7%, nhưng khi chạm đáy phiên, chỉ số giảm tới gần 1%.
Mối lo về sức khỏe kinh tế Mỹ càng tăng thêm khi báo cáo từ Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho thấy hoạt động sản xuất tháng 3 suy giảm sau 2 tháng tăng liên tiếp và yếu hơn so với dự báo. Một báo cáo khác từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đầu việc cần tuyển dụng trong tháng 2 giảm nhiều hơn so với kỳ vọng.
Những tín hiệu suy yếu của nền kinh tế tiếp tục được phát đi trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng tăng nhiệt. Theo dự kiến, vào ngày thứ Tư, ông Trump sẽ công bố thuế quan đối ứng áp lên hàng hóa từ gần như tất cả các quốc gia. Nhà Trắng ngày thứ Ba cho biết thuế quan này sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau khi được công bố.
“Sự bấp bênh và thiếu rõ ràng trong các thông tin đang là nhân tố khiến thị trường mất phương hướng. Thị trường đã điều chỉnh, nên tin tức trong những ngày tới sẽ là chìa khóa quyết định”, chiến lược gia Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets nhận định.
Cũng trong ngày thứ Ba, tờ báo Washington Post đưa tin chính quyền ông Trump đang cân nhắc áp thuế quan khoảng 20% lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiết lộ của nguồn thạo tin và chưa có quyết định nào được đưa ra.
Chứng khoán Mỹ đã biến động chóng mặt trong thời gian gần đây do những thông tin thiếu nhất quán và đôi khi không rõ ràng về các kế hoạch thuế quan của ông Trump. Hôm thứ Hai, S&P 500 có lúc rớt xuống mức thấp nhất 6 tháng. Trong cả quý 1/2025, chỉ số này mất 4,6% và Nasdaq trượt 10%, đánh dấu quý giảm tệ nhất của cả hai thước đo kể từ năm 2022. Dow Jones đã giảm 1,3% trong quý 1.
“Rủi ro sự kiện đã được phản ánh nhiều vào giá cổ phiếu, tạo điều kiện cho một đợt hồi phục mạnh nếu kế hoạch thuế quan mà chính quyền đưa ra không nghiêm trọng như dự báo. Nhưng nguy cơ đối với thị trường vẫn còn lớn, bao gồm khả năng chiến tranh thương mại sẽ leo thang mạnh hơn so với kỳ vọng”, Phó chủ tịch Anshul Gupta của ngân hàng Barclays nhận xét trong một báo cáo.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,39 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, chốt ở 75,38 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,38 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 71,1 USD/thùng.
Trước phiên giảm này, giá hai loại dầu đã đóng cửa ở mức cao nhất 5 tuần trong phiên ngày thứ Hai. Gần đây, giá dầu được hỗ trợ bởi cảnh báo của ông Trump rằng ông sẽ áp thuế quan thứ cấp lên dầu Nga nếu Nga không đi tới một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine và tấn công Iran nếu Tehran không nhất trí về một thỏa thuận hạt nhân với Mỹ.
“Thị trường đang bất an vì ngày mai thuế quan đối ứng sẽ được công bố. Nguồn cung dầu từ Mexico, Venezuela và Canada vào Mỹ có thể sẽ giảm, nhưng chắc chắn là sự suy giảm nhu cầu do giá tăng có thể bù đắp lại mất mát nguồn cung đó”, chuyên gia Bob Yawger của ngân hàng Mizuho nhận xét với hãng tin Reuters.
Trong một cuộc khảo sát của Reuters với sự tham gia của 49 nhà kinh tế và nhà phân tích, các chuyên gia này dự báo giá dầu sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm trong năm nay do thuế quan của Mỹ và sự giảm tốc kinh tế ở Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, việc liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, tức nhóm OPEC+, nâng sản lượng dầu trở lại cũng sẽ cản trở các cơ hội phục hồi của giá dầu.
“Việc Mỹ siết trừng phạt Iran, Venezuela và Nga có thể hạn chế nguồn cung dầu toàn cầu, nhưng thuế quan của Mỹ lại gây suy yếu nhu cầu tiêu thụ năng lượng dầu và tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, rất khó để đặt cược vào một hướng đi rõ ràng của giá dầu”, nhà phân tích Ole Havalbye của công ty SEB nhận định.