Đất và dầu thô chiếm tỷ trọng lớn trong kỷ lục thu ngân sách gần 57.000 tỷ của tỉnh Thanh Hóa

Năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 56.735 tỷ đồng cao nhất từ trước tới nay, trong đó có đóng góp lớn của nguồn thu từ đất và dầu thô.

Với kết quả trên, Thanh Hóa tiếp tục củng cố vị trí vững chắc của mình trong Câu lạc bộ 50.000 nghìn tỷ. Đáng chú ý, Thanh Hóa lần đầu tiên vượt qua Quảng Ninh để xếp thứ 7 trong số những địa phương có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Đồng thời, Thanh Hóa tiếp tục là địa phương có số thu ngân sách lớn nhất trong Khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Trong hơn 56.000 tỷ thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa, thu nội địa đạt hơn 35.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 21.000 tỷ đồng.

ĐA DẠNG CÁC NGUỒN THU TỪ ĐẤT

Trong năm 2024, các khoản thu từ đất theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, đạt 16.195 tỷ đồng, chiếm 42% tổng thu nội địa và 27,8% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất được 14.865 tỷ đồng, đạt 212,4% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 157,1% so với cùng kỳ. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước được 1.330 tỷ đồng, đạt 295,6% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 152,6% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân nguồn thu từ đất tăng cao do thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian đống băng. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đủ điều kiện đưa ra đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với nhiều mặt bằng quy hoạch, dự án đầu tư trọng điểm.

Nổi bật trong số đó là Dự án Quảng trường biển Sầm Sơn (Công ty CP Tập đoàn mặt trời); Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng khoáng nóng tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương (Công ty cổ phần Mặt Trời Thanh Hóa); Dự án Khu nhà ở tái định cư Hải Yến, Nghi Sơn (Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản TASECO); Dự án Khu đô thị Sao Mai Lam Sơn – Sao Vàng, huyện Thọ Xuân và khu đô thị Sao Mai huyện Triệu Sơn (Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hải Hòa- Bình Minh, thị xã Nghi Sơn theo hình thức hợp đồng BT (Công ty CP BT Hải Hòa - Bình Minh).

Dự án Quảng trường biển Sầm Sơn Dự án Quảng trường biển Sầm Sơn

Trong năm, xuất hiện nguồn thu lớn đến từ một số dự án nộp tiền thuê đất 01 lần hơn 670 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Aeon Mall của Công ty TNHH 2TV Miền Trung Nam thành phố nộp 451,4 tỷ đồng; dự án Trường mầm non Hong Fu nộp 119,3 tỷ đồng…

Cục thuế Thanh Hóa cũng thực hiện bút toán, ghi thu - ghi chi là 423,9 tỷ đồng Trong đó, Công ty cổ phần tập đoàn mặt trời nộp 221,2 tỷ đồng tại dự án Quảng trường biển Sầm Sơn; Công ty cổ phần mặt trời Thanh Hóa nộp 105,5 tỷ đồng tại dự án suối khoáng nóng Quảng Yên; các đơn vị khác là 97,2 tỷ.

Theo danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, bao gồm cả quyết định điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ, trong năm 2024, toàn tỉnh này có 892 mặt bằng quy hoạch với tổng diện tích đất đấu giá 804,19 ha; số tiền sử dụng đất dự kiến thu được 22.897 tỉ đồng.

Một số địa phương có mức thu cao, vượt dự toán như huyện Đông Sơn thu trên 3.200 tỷ đồng; TP Thanh Hóa trên 1.660 tỷ đồng; TP Sầm Sơn thu hơn 1.650 tỷ đồng; huyện Hoằng Hóa 1.490 tỷ đồng; huyện Thọ Xuân hơn 800 tỷ đồng; thị xã Nghi Sơn hơn 710 tỷ đồng…

THU TỪ DẦU THÔ XẤP XỈ 25.000 TỶ ĐỒNG

Theo thông tin từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, trong năm 2024, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã hoạt động ổn định với công suất trung bình đạt 113%. Doanh nghiệp đã chế biến được 83 triệu thùng, tương đương 11,4 triệu tấn dầu thô.

Từ nguồn dầu thô này, công ty đã sản xuất và xuất bán hơn 9,7 triệu tấn sản phẩm, trong đó 8 triệu tấn là xăng dầu phục vụ thị trường trong nước và quốc tế, phần còn lại là các sản phẩm hóa dầu.

Để đáp ứng sản xuất, năm 2024, doanh nghiệp đã nhập khẩu 42 chuyến tàu dầu thô cỡ lớn, tăng 13,62% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động kinh doanh hiệu quả, Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đóng góp hơn 996 triệu USD (tương đương hơn 24.700 tỷ đồng) vào ngân sách Nhà nước từ nguồn thuế giá trị gia tăng nhập khẩu dầu thô và các khoản thuế khác. Nguồn thu 24.700 tỷ dồng từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 43% tổng thu ngân sách tại địa phương.

Tàu Sea Pearl, quốc tịch Hy Lạp, chở 270.000 tấn dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tàu Sea Pearl, quốc tịch Hy Lạp, chở 270.000 tấn dầu thô cung cấp cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Thanh Hóa, thuế nhập khẩu mặt hàng dầu thô của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đạt 16.374 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 82,1% trong tổng thu xuất, nhập khẩu ở Thanh Hóa. Các sắc thuế nội địa khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất… chiếm phần còn lại.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam, nằm trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD, được coi là một trong những dự án năng lượng trọng điểm của Việt Nam.

Liên doanh 4 doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), Công ty Kuwait Petroleum Europe (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản). Nhà máy khởi công vào tháng 10/2013 và chính thức hoàn thành vào tháng 4/2018, sử dụng công nghệ lọc dầu hiện đại hàng đầu thế giới.

Kể từ khi vận hành thương mại, nhà máy đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 103.000 tỷ đồng, riêng năm 2024 là hơn 24.700 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ riêng nguồn thu từ đất và dầu thô đã chiếm 70% tổng số thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024.

XÂY DỰNG KẾ HOẠCH THU NGÂN SÁCH NĂM 2025 THẬN TRỌNG

Kết quả thu ngân sách năm 2024 vượt xa kỳ vọng, cho thấy rõ kinh tế Thanh Hóa đang trên đà phục hồi, phát triển. Điều này còn cho thấy những quyết sách kịp thời của tỉnh đã và đang triển khai thực hiện là đúng đắn. Bởi kết quả này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do tình trạng bất ổn an ninh, chính trị leo thang tại một số quốc gia, khu vực; thương mại, đầu tư toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, tạo áp lực lên thị trường tài chính của các nước đang phát triển. Kết quả nổi bật của năm 2024 tạo đà để các Cục Thuế và Cục Hải quan Thanh Hóa quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2025 ở mức cao nhất.

Năm 2025, thu ngân sách trên địa bàn Thanh Hóa dự báo sụt giảm, khi đặt mục tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 45.492 tỷ đồng, thấp hơn nhiều mức thực hiện năm 2024. Với nguyên do có thể ghi nhận sụt giảm nguồn thu trong hoạt động cấp quyền sử dụng đất và nguy cơ sụt giảm thu thuế từ hoạt động nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn khi Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn ở tỉnh Quảng Ngãi hoạt động bình thường trong năm 2025.

Để tích cực nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách nhà nước 2025, tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, quyết toán tài chính năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Cục Thuế và Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa tập trung mọi nguồn lực để triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2025, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. 

Trong đó, Cục Thuế rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, những lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thu hiệu quả, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tiếp tục nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế để tháo gỡ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời.

Đồng thời, Cục Hải quan Thanh Hóa tiếp tục tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp xuất nhập khẩu làm thủ tục hải quan tại đơn vị. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý, điều hành, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực hải quan.