Dự kiến thu ngân sách giảm khoảng 121.740 tỷ đồng do giảm VAT kể từ 1/7/2025 đến hết năm 2026

Bộ Tài chính ước tính tổng số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm khoảng 121.740 tỷ đồng do thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm kích thích kinh tế...

Sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo dự thảo Nghị quyết, mức thuế suất giá trị gia tăng  (VAT) sẽ được giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ các lĩnh vực viễn thông, tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than), các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng). Thời gian áp dụng chính sách kéo dài từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Chính phủ được giao trách nhiệm hướng dẫn chi tiết và triển khai chính sách đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết mục tiêu của chính sách là góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó kích cầu nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.

Bộ Tài chính ước tính tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giảm khoảng 121.740 tỷ đồng do thực hiện chính sách này, trong đó riêng 6 tháng cuối năm 2025 giảm khoảng 39.540 tỷ đồng và cả năm 2026 giảm khoảng 82.200 tỷ đồng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc tiếp tục giảm VAT là cần thiết để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. Việc kích thích tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% đã đề ra cho giai đoạn 2025–2026.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về hiệu quả thực tế của chính sách. Một số đại biểu cho rằng, chính sách giảm VAT đã được áp dụng trong thời gian dài và có thể đang dần mất đi tác dụng kích cầu do đã “bão hòa”. Ngoài ra, việc kéo dài liên tục chính sách giảm thuế có thể làm giảm tính ổn định và nhất quán trong hệ thống chính sách thuế, tạo tiền lệ không tốt cho việc xây dựng và quản lý tài khóa quốc gia.

Đặc biệt, có ý kiến lo ngại việc hụt thu có thể làm dư địa tài khóa bị thu hẹp đáng kể, trong khi các rủi ro kinh tế trong tương lai vẫn tiềm ẩn. Đáng chú ý, khoản hụt thu hơn 39.000 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm 2025 chưa được Chính phủ đưa vào dự toán ngân sách năm 2025, khiến khả năng cân đối ngân sách gặp nhiều áp lực.

Về phạm vi áp dụng, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính đồng tình với đề xuất của Chính phủ, cho rằng việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có những kiến nghị yêu cầu Chính phủ rà soát lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện không được giảm thuế, đặc biệt là các mặt hàng chịu tác động từ chiến tranh thương mại hoặc các chính sách thuế đối ứng quốc tế. Nếu chênh lệch số thu từ các nhóm này không quá lớn, có thể xem xét giảm thuế toàn diện để bảo đảm tính công bằng và thuận lợi trong triển khai.

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ủy ban Kinh tế - Tài chính đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và cần có đánh giá đầy đủ về tác động tài khóa, nhất là trong bối cảnh nhiều khoản chi mới và các chính sách tài chính khác đang được đồng thời triển khai. Chính phủ cần chịu trách nhiệm trong việc điều hành, bảo đảm mục tiêu thu chi ngân sách nhà nước năm 2025 trong phạm vi bội chi đã được Quốc hội phê duyệt.