Giá vàng lập kỷ lục mới, tâm lý FOMO ngập thị trường

Đà tăng của giá vàng tiến về mốc 2.800 USD/oz được duy trì bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD ở mức cao, cho thấy mối lo về nợ nần đang là động lực chi phối mạnh mẽ hơn...

Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao lịch sử mới trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trong cơn sốt vàng này. Đà tăng của giá vàng tiến về mốc 2.800 USD/oz được duy trì bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá USD ở mức cao, cho thấy mối lo về nợ nần đang là động lực chi phối mạnh mẽ hơn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư (30/10) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 10,3 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,37%, đạt 2.785,9 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Lúc gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,5 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.787,6 USD/oz. Mức giá này tương đương khoảng 85,5 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với cùng thời điểm ngày hôm qua.

Trong phiên Mỹ, giá vàng giao ngay có lúc vượt 2.789 USD, cao chưa từng thấy trong lịch sử. Giá vàng giao ngay có lúc suýt soát mốc 2.800 USD/oz, cũng là mức kỷ lục.

“Bầu cử tổng thống Mỹ sắp đến. Môi trường chính trị đang rất bấp bênh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp giảm lãi suất thêm. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Nga và Ukraine” - chiến lược gia Daniel Pavilonis của công ty RJO Futures điểm lại những yếu tố đẩy giá vàng tăng cao hiện nay.

“Có quá nhiều lý do để giá vàng lên cao hơn. Tất cả những tin xấu chính là những gì các nhà đầu cơ vàng giá lên thực sự mong muốn. Mục tiêu tiếp theo của giá vàng có lẽ là mốc 2.850 USD/oz”, ông Pavilonis nói.

Đà tăng khó cản của giá vàng khiến nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường bất chấp mức giá cao - một biểu hiện của tâm lý FOMO điển hình. Theo một báo cáo ngày 30/10 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của thế giới đã đạt mức cao kỷ lục trong quý 3 năm nay, chủ yếu do nhu cầu của các nhà đầu tư.  “Các nhà đầu tư chuyên nghiệp và tổ chức dường như đang rơi vào tâm trạng FOMO khi sự bứt phá của giá vàng liên tục xuất hiện trên các dòng tít báo”, các nhà phân tích của WGC viết trong báo cáo.

Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng 35%, tiến tới hoàn tất năm tăng mạnh nhất kể từ năm 1979.

Ông Dominik Sperzel, trưởng giao dịch của công ty Heraeus Metals Germany, dự báo giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/oz trong năm 2025 do các yếu tố như các quỹ ETF vàng mua ròng trở lại và các nhà đầu tư điều chỉnh danh mục sau bầu cử ở Mỹ.

Có một điều không bình thường mà giới phân tích thường nói đến gần đây là giá vàng không ngừng lập kỷ lục ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD tăng mạnh - vốn là những yếu tố lẽ ra gây áp lực giảm đối với giá vàng.

Phiên ngày thứ Tư, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vượt 4,3%, cao nhất kể từ tháng 7. Cuối phiên, lợi suất của kỳ hạn này dừng ở mức 4,28%, tăng 2 điểm cơ bản so với phiên trước.

Chỉ số Dollar Index tuần này có lúc vượt 104,4 điểm, cao nhất 3 tháng. Phiên ngày thứ Tư, chỉ số chốt phiên ở mức 103,99 điểm, giảm từ mức 104,32 điểm của phiên trước nhưng vẫn tăng hơn 2% trong tháng 10 này.

Diễn biến giá vàng thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics. Diễn biến giá vàng thế giới 6 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Trao đổi với trang Kitco News, nhà quản lý quỹ Ryan McIntyre của công ty Sportt Inc. đã giải thích về sự “bất bại” của giá vàng khi gặp phải những yếu tố bất lợi nói trên.

Ông nói rằng ngoài sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ còn tăng do mối lo về khối nợ liên bang khổng lồ của nước này. Và đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc giá vàng tăng ngay cả khi lợi suất tăng cao, bởi nhà đầu tư muốn nắm giữ một tài sản an toàn như vàng để phòng ngừa rủi ro nợ nần.

“Câu hỏi ở đây là với nợ công của Mỹ tiếp tục tăng, lợi suất sẽ phải cao như thế nào để thu hút được nhà đầu tư mới? Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong một giai đoạn đầu mà nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy lo lắng về khối nợ của Mỹ. Mọi người bắt đầu đặt câu hỏi liệu lạm phát có cao hơn nữa và cung tiền có tăng mạnh hơn nữa hay không”, ông McIntyre phát biểu.