Giao dịch hàng hóa - Hướng đi then chốt hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 68

Nghị quyết 68-NQ/TW xác định rõ yêu cầu xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và để thị trường tự điều tiết thay vì sử dụng can thiệp hành chính. Đây cũng là những đặc trưng nổi bật và nguyên tắc cốt lõi của giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch, đó là tạo ra giá cả minh bạch, phản ánh sát thực cung - cầu toàn cầu, chủ động sử dụng các công cụ phái sinh hàng hóa để phòng vệ rủi ro giá...

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ định vị lại khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, mà thông qua phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết còn xác lập lại định hướng phát triển của thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian tới.

XÁC LẬP LẠI HOẠT ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG

Định hướng nhất quán của Nghị quyết là doanh nghiệp tư nhân được “tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm”, trong “môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định...”.

Để làm được những điều đó, Nghị quyết nêu rõ chức năng Nhà nước là “kiến tạo, phục vụ, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, không can thiệp hành chính vào hoạt động sản xuất kinh doanh trái với nguyên tắc thị trường” và “sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế, giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế “xin - cho”, tư duy “không quản được thì cấm”...”.

Những nguyên tắc này được đặt trong Nghị định về phát triển kinh tế tư nhân đặt ra yêu cầu phải tạo lập một thị trường giao dịch minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tính công bằng giữa các thành phần của kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân trong các vấn đề của thị trường.

Do đó, để những nguyên tắc này được thực hiện đúng, đủ, nhất thiết cần xây dựng một thị trường mà ở đó, các thành phần kinh tế tham gia đều có vai trò bình đẳng, chịu sự điều chỉnh từ quy luật thị trường thay vì can thiệp hành chính.

Trong bối cảnh ấy, mô hình giao dịch qua sở xuất hiện như một công cụ thị trường tối ưu, vừa đúng với định hướng của Nghị quyết khi tạo lập một cơ chế vận hành giá cả minh bạch theo cung - cầu.

Thông qua việc niêm yết giá công khai, liên thông trực tiếp với các sở quốc tế và áp dụng cơ chế giao dịch khớp lệnh điện tử, giao dịch qua sở nói chung và giao dịch hàng hóa qua sở nói riêng tạo ra một môi trường minh bạch, nơi giá cả được hình thành dựa trên cung – cầu thực và phản ánh đúng tín hiệu thị trường. Đây là cơ chế vận hành hiện đại, hạn chế tối đa tình trạng thao túng, ép giá hay thông tin bất cân xứng – những rào cản lớn đối với kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, với lĩnh vực hàng hóa, có thể bao gồm rất nhiều lĩnh vực, mặt hàng có thể niêm yết giao dịch, từ những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như ngô, cà phê cho đến những sản phẩm như xăng dầu, điện... đều có thể giao dịch qua sở hàng hóa.

Các sở hàng hóa với các hợp đồng chuẩn hóa giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn thông tin chính thức, được giám sát chặt chẽ bởi sở giao dịch và cơ quan quản lý, từ đó giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Qua đó doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phòng ngừa rủi ro, và từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

HÌNH THỨC GIAO DỊCH ƯU VIỆT CỦA KINH TẾ

Xét trong lịch sử, việc hình thành giao dịch hàng hóa gắn liền với nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các nhà sản xuất và thương nhân trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động và phức tạp. Việc hình thành các công cụ phái sinh hàng hóa (hợp đồng tương lai, quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn) đã giúp các doanh nghiệp kiểm soát được rủi ro biến động giá, đồng thời tạo ra thị trường tài chính có chiều sâu và thanh khoản cao.

Trên thế giới, mô hình sở giao dịch hàng hóa tập trung đã được hình thành và phát triển hàng trăm năm qua với những thành công tiêu biểu như Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group), London Metal Exchange (LME), hay Singapore Exchange (SGX). Những trung tâm này không chỉ là nơi giao dịch hàng hóa mà còn là các đầu mối tài chính quan trọng góp phần làm nên sức mạnh kinh tế quốc gia.

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang sử dụng các sở giao dịch hàng hóa để thực hiện chiến lược kinh tế toàn cầu của mình. Một ví dụ điển hình là Trung Quốc đã biến Sở Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) thành trung tâm định giá quan trọng của thị trường đậu tương toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là nơi giao dịch hợp đồng quặng sắt nhiều nhất thế giới. Còn Sở Giao dịch hàng hóa Thượng Hải (SHFE) là nơi chuyên về kim loại cơ bản và năng lượng. Giao dịch đồng tại SHFE có ảnh hưởng lớn đến giá đồng toàn cầu do Trung Quốc chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ đồng thế giới. SHFE cũng là sở giao dịch quan trọng cho dầu thô của Trung Quốc, giúp quốc gia này giảm phụ thuộc vào giá dầu Brent và WTI.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền sản xuất trong nước, từ đầu những năm 2000 đã manh nha xuất hiện các sở giao dịch hàng hóa tập trung. Tuy nhiên, thời điểm đó do thiếu các khung pháp lý cùng hạn chế về công nghệ, kỹ thuật nên các sở giao dịch đều không thành công.

Cho đến sau năm 2006, khi luật Thương mại 2005 có hiệu lực, các khung pháp lý ban đầu cụ thể về giao dịch hàng hóa tại Việt Nam mới được xây dựng và luật hóa chính thức đó là Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa. Và sau đó là Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều 158/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch Hàng hóa.

Đặc biệt, tại Nghị định số 158/2006/NĐ-CP, Chính phủ đã thành lập Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV). Cho đến hiện tại, MXV vẫn là đơn vị cấp nhà nước tiên phong và duy nhất tại Việt Nam được cấp phép giao dịch hàng hóa và liên thông với thế giới.

Với vai trò đó, MXV đã tham gia góp ý vào các dự thảo luật, nghị định liên quan đến giao dịch hàng hóa như Luật Điện lực, Luật thuế Giá trị gia tăng...

Hiện tại, sau nhiều năm hoạt động, “chiếc áo” chính sách từ Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018 đã không còn phù hợp với hoạt động của giao dịch hàng hóa. Do đó, Chính phủ đã đồng ý để Bộ Công Thương xây dựng Nghị định mới thay thế cho 2 Nghị định nêu trên nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và toàn diện hơn cho hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa. Việc này thể hiện sự quan tâm sâu sát và quyết tâm của Chính phủ và Cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường hàng hóa một cách bài bản, minh bạch và hiệu quả.

VỊ THẾ MỚI CỦA GIAO DỊCH HÀNG HÓA

Nhận thức được vai trò quan trọng của giao dịch hàng hóa trong minh bạch hóa thị trường và phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã xác định giao dịch hàng hóa là một trong ba trụ cột quan trọng của Trung tâm tài chính quốc tế, gồm trục Tài chính - Ngân hàng - Fintech và trục Chứng khoán - Quỹ đầu tư - Bảo hiểm, Giao dịch hàng hóa - Logistics - Dữ liệu.

Trong đó, giao dịch hàng hóa không chỉ góp phần đa dạng hóa sản phẩm tài chính mà còn là kênh quan trọng giúp kết nối trực tiếp thị trường trong nước với các Sở hàng hóa quốc tế, tạo ra giá cả minh bạch, phản ánh sát thực cung - cầu toàn cầu. Việc phát triển sở giao dịch hàng hóa hiện đại sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như nông sản, khoáng sản và năng lượng, đồng thời thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư quốc tế vào thị trường tài chính hàng hóa.

Hệ sinh thái giao dịch hàng hóa tích hợp với các dịch vụ tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistics sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, giảm thiểu rủi ro biến động giá, đồng thời tăng cường vai trò của TP.HCM như một trung tâm tài chính khu vực, kết nối chặt chẽ với các thị trường tài chính lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, khác với chứng khoán hay ngân hàng, hiện nay đều có những quy định pháp lý rõ ràng về các hoạt động giao dịch, chuyển tiền, thu hút đầu tư cho đến chế tài xử phạt, thị trường giao dịch hàng hóa gần như chỉ có khung giao dịch chứ chưa có những quy định rõ ràng khác. Đó là chưa kể để có thể giao dịch hàng hóa tập trung, cần một hệ thống kho bãi hậu cần, phương thức thanh toán, liên thông liên kết ngân hàng... rất lớn và phức tạp...

Do đó, để thúc đẩy giao dịch hàng hóa trong Trung tâm tài chính, cần một số cơ chế, chính sách đặc thù, không chỉ đóng vai trò tạo hành lang pháp lý, mà còn là tạo lực đẩy để thúc đẩy mô hình này hoạt động ngang hàng với ngân hàng hay chứng khoán.

Để thực hiện được, thứ nhất cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đối với hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Cụ thể gồm khung pháp lý đầy đủ để quản lý các sản phẩm phái sinh hàng hóa như hợp đồng tương lai, quyền chọn, hợp đồng hoán đổi giá.

Thứ hai, nên có cơ chế xây dựng hệ sinh thái giao dịch liên thông với trung tâm logistics, trung tâm thanh toán bù trừ hiện đại. Trong đó giao dịch hàng hóa được tiếp cận ưu đãi về thuế, ngoại hối, hạ tầng công nghệ. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ blockchain, dữ liệu lớn, AI để quản trị và theo dõi giao dịch thời gian thực.

Thứ ba, phải có cơ chế tích hợp giao dịch hàng hóa vào thị trường vốn và ngân hàng bằng cách tạo khung pháp lý để ngân hàng có thể cung cấp bảo hiểm giá hàng hóa, tài trợ thương mại dựa trên hợp đồng phái sinh; Tích hợp hợp đồng tương lai vào danh mục tài sản đảm bảo cho các khoản vay doanh nghiệp...

Đặc biệt, theo đúng tinh thần Nghị quyết 68, Nhà nước không nên “quản” sở hàng hóa bằng mệnh lệnh hành chính mà phải tạo cơ chế giám sát theo nguyên tắc thị trường. Giao dịch qua sở cần được xem là một công cụ điều tiết giá cả trung lập và hiệu quả, thay vì áp dụng các biện pháp như áp giá trần, trợ giá… gây méo mó thị trường.