Lời giải nào cho nghịch lý giữa kỳ vọng sinh lời và tâm lý e ngại của nhà đầu tư Việt?

Dù kỳ vọng lợi nhuận cao, phần lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam vẫn chuộng các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản. Nghịch lý giữa kỳ vọng và hành vi tài chính này được các chuyên gia phân tích đến từ tâm lý e ngại rủi ro...

Ngày 8/7, Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt (TVAM) đã công bố Báo cáo khảo sát 2025 với chủ đề “Thực trạng và Nhu cầu của người Việt về Quản lý tài sản Cá nhân”. Khảo sát của TVAM ghi nhận một thực trạng đáng quan tâm dù có đến 88% nhà đầu tư kỳ vọng mức lợi nhuận trên 7%/năm; trong đó một tỷ lệ rất cao là 42% mong đợi mức sinh lời đột phá từ 15–30%/năm, nhưng phần lớn danh mục của họ vẫn neo chặt vào các “bến đỗ” quen thuộc như tiết kiệm, vàng và bất động sản.

Tại tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ sự kiện, các chuyên gia từ lĩnh vực ngân hàng, fintech và quản lý quỹ đã cùng nhau “mổ xẻ” nghịch lý này và đưa ra những nhận định về xu hướng tài chính cá nhân trong giai đoạn tới.

KỲ VỌNG LỢI NHUẬN NHƯNG "E NGẠI" RỜI BỎ VÙNG AN TOÀN

Số liệu từ báo cáo của TVAM cho thấy một bức tranh đầu tư có tới 75% nhà đầu tư chỉ rót vốn vào 2 – 3 kênh, thay vì chủ động phân bổ tài sản đa dạng.

Dù vậy, thực tế này không hoàn toàn xa lạ trên toàn cầu. Báo cáo Global Wealth 2025 của UBS cũng chỉ ra danh mục tài sản cá nhân toàn cầu vẫn nghiêng về bất động sản và tài sản tiêu dùng, trong khi thống kê từ (Boston Consulting Group) BCG ghi nhận tiền gửi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.

Thực tế này phản ánh tâm lý e ngại rủi ro và thiếu định hướng trung dài hạn, ngay cả ở nhóm nhà đầu tư có năng lực tài chính và sở hữu tài sản tích lũy lớn. Họ thường ưu tiên các sản phẩm đơn giản, dễ tiếp cận hơn là đa dạng hóa danh mục qua các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu hay đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp.

Ông Nghiêm Xuân Huy, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Finhay, cho rằng có bốn rào cản chính khiến nhà đầu tư ngần ngại bước từ tiết kiệm sang đầu tư.

“Thứ nhất là tâm lý an toàn. Tiết kiệm, vàng và bất động sản là những kênh đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, quen thuộc và dễ hiểu. Thứ hai là sự thiếu hụt kiến thức tài chính bài bản. Thứ ba là lo ngại rủi ro ngắn hạn mà chưa có tư duy quản trị rủi ro cho mục tiêu dài hạn. Và cuối cùng là sự thiếu vắng một nền tảng dẫn dắt đủ dễ hiểu, dễ làm, dễ tin”, ông Huy phân tích.

Bên cạnh đó, theo khảo sát của TVAM, sự e dè này còn thể hiện rõ trong thái độ với các giải pháp công nghệ. Trong đó, dịch vụ quản lý tài sản số vẫn còn rất mới mẻ, chỉ 36% người được hỏi biết đến hình thức này và trong số đó chỉ 16% từng sử dụng. Ngay cả trong nhóm đã biết, 41% vẫn muốn tự quản lý, 34% lo ngại chi phí không minh bạch, 30% lo về bảo mật và 27% vẫn cần gặp chuyên gia tư vấn trực tiếp.

Tuy nhiên, cánh cửa cho nền tảng số không hoàn toàn đóng lại, theo TVAM, nhà đầu tư vẫn đánh giá cao khả năng theo dõi danh mục thời gian thực, cảnh báo rủi ro và gợi ý phân bổ tự động. Điều này cho thấy nếu được thiết kế đúng nhu cầu, công nghệ sẽ là một trợ thủ đắc lực.

“KIỀNG BA CHÂN” CHO TƯƠNG LAI TÀI CHÍNH: CÔNG NGHỆ, CÁ NHÂN HOÁ VÀ YẾU TỐ CON NGƯỜI

Tại tòa đàm, các chuyên gia cho rằng “chìa khóa” để giải quyết nghịch lý của nhà đầu tư Việt nằm ở mô hình hybrid (kết hợp). Công nghệ sẽ đóng vai trò là công cụ giúp theo dõi, phân tích và tự động hóa, nhưng yếu tố con người như chuyên gia tư vấn vẫn là không thể thiếu để mang lại cảm giác an tâm, xây dựng lòng tin và đồng hành cùng nhà đầu tư trong những giai đoạn thị trường biến động. 

Sự chuyển dịch trong hành vi tài chính không chỉ đến từ nhà đầu tư mà còn được thúc đẩy bởi sự khác biệt thế hệ. Dưới góc nhìn của ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), chỉ ra sự đối lập rõ rệt: “Gen X ưu tiên an toàn, quen tiết kiệm truyền thống để phòng xa. Trong khi đó, Gen Z tiếp cận tài chính qua nền tảng số, linh hoạt, chấp nhận rủi ro cao hơn và ít phụ thuộc vào dịch vụ ngân hàng truyền thống”.

Ông Phát cho rằng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội buộc các định chế tài chính phải thay đổi, chuyển mình thành "đối tác tài chính trọn đời" thay vì chỉ là nơi giữ tiền.

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm. Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm.

Ở góc độ fintech, ông Đỗ Quang Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn MoMo, cho biết người dùng ngày càng chi tiêu có chủ đích và công nghệ đang dần thay đổi cách người dùng tương tác với tiền.

Ông Thuận thông tin tính năng Quản lý Chi tiêu của ứng dụng MoMo đã giúp tăng 10 - 20% tần suất giao dịch và người dùng còn chủ động ghi chép thêm trung bình 7 giao dịch ngoài ứng dụng mỗi tháng. Đáng chú ý, hơn 80% người dùng Ví Trả Sau sử dụng cho các chi tiêu thiết yếu và chủ động trả nợ đúng hạn, biến nó thành công cụ quản lý dòng tiền và tạo dựng lịch sử tín dụng tốt.

“Người dùng không còn đợi “dư tiền” mới tiết kiệm, xu hướng tích lũy vi mô ngày càng phổ biến. Mục tiêu tài chính cũng chuyển từ phòng thân sang đầu tư cho tương lai như học tập, kinh doanh hay trải nghiệm sống”, ông Thuận nói thêm.

Nhìn ra khu vực, bà Nguyễn Anh Viễn Phương, Giám đốc khối Khách hàng ưu tiên, Standard Chartered Việt Nam, nhận định Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các thị trường đang phát triển như tầng lớp trung lưu tăng nhanh, ưa chuộng nền tảng số.

Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ tỷ lệ tiết kiệm còn cao, ưu tiên vàng và bất động sản thay vì cổ phiếu hay các quỹ đầu tư như ở thị trường phát triển hơn. “Hiểu biết tài chính dù cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển tiếp quan trọng với tiềm năng phát triển tài chính cá nhân rất lớn”, bà Phương đánh giá.

Từ kinh nghiệm tại các thị trường như Singapore hay Hong Kong, bà Phương cho biết nhà đầu tư tại đây ngày càng đa dạng hóa danh mục, không chỉ cổ phiếu, trái phiếu mà còn cả các quỹ đầu tư tư nhân (PE), quỹ phòng hộ và các sản phẩm đầu tư bền vững (ESG). Các công cụ như quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và quỹ tín thác bất động sản (REITs) cũng ngày càng phổ biến để tăng tính thanh khoản.