Ảnh cháy sáng là ảnh chụp dưới điều kiện ánh sáng mạnh, và thường có cảm giác như hình ảnh bị phủ bởi một lớp trắng xóa, làm nhạt màu và mờ chi tiết bức ảnh. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp chụp một bức ảnh có phong cảnh đẹp nhưng bị cháy sáng, thường chị em sẽ loay hoay và bất lực vì không biết phải xử lý thế nào. Để có thể cứu vãn tình hình này, dưới đây là thao tác mẹo đơn giản trên iPhone có thể giúp chị em giải quyết tạm thời bức ảnh cháy sáng ở mức độ “có thể sử dụng được”.
Cường độ ánh nắng quá mạnh là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ảnh cháy sáng.
Hiện nay, trên các dòng điện thoại iPhone đều có sẵn chức năng điều chỉnh màu sắc và các thông số đặt trên hình ảnh. Với một bức ảnh bị cháy sáng, chị em có thể thấy những chi tiết gặp vấn đề gồm:
- Màu sắc nhạt nhòa, không tươi tắn.
- Chi tiết bị mờ, nhòe, thậm chí bị mất chi tiết.
- Các vùng sáng, tối trên bức ảnh không được thể hiện rõ.
- Độ tương phản không rõ ràng.
Mùa hè là thời điểm du lịch lớn nhất trong năm, nhưng cũng là mùa nhiều nắng nhất, chị em cần lưu ý khi chụp ảnh trong mùa này để tránh rơi vào trường hợp ảnh bị cháy sáng.
Khi giải cứu ảnh cháy sáng trên iPhone, chị em cần lưu ý đến các thông số có thể hỗ trợ như: độ phơi sáng, độ chói, vùng sáng, vùng tối, tương phản, độ sáng, độ bão hòa, độ tươi, độ sắc nét, khử nhiễu và nhiệt độ. Tùy vào mức độ cháy sáng nhẹ hay cháy sáng nặng, chị em có thể cân và điều chỉnh các thông số cho phù hợp.
Trước tiên, để bắt đầu quá trình giải cứu ảnh cháy sáng, chị em cần hạ độ phơi sáng và độ chói xuống. Giảm hai thông số này có thể giúp cho độ cháy sáng mờ dần, các chi tiết trong bức ảnh được thể hiện rõ hơn. Thông thường, để bức ảnh cháy sáng được an toàn nhất, chị em không nên lạm dụng giảm hai thông số này quá nhiều vì có thể khiến bức ảnh bị tối, mất cân bằng sáng.
Độ phơi sáng và độ chói của bức ảnh quá lớn khiến cho màu sắc nhợt nhạt, kém tươi.
Tiếp đến, ảnh cháy sáng có màu sắc kém tươi và chi tiết bị mờ, không có độ tương phản, chị em cần lưu ý đến việc điều chỉnh thông số như:
Vùng sáng, vùng tối, độ tương phản: đây là bộ 3 thông số có thể giúp cứu vớt bức ảnh khỏi việc thiếu đi chiều sâu, phân biệt rõ được vùng sáng và vùng tối trên tổng thể bức ảnh. Bên cạnh đó, mức độ màu trắng của vùng sáng quá lớn có thể làm màu da bị “trắng toát” không đúng với sắc da thật của con người. Việc giảm vùng sáng có thể xử lý tạm thời tình trạng này.
Độ bão hòa, độ tươi: Vì ảnh cháy sáng thường bị ảnh hưởng bởi luồng sáng mạnh nên khi nhìn, bạn sẽ có cảm giác có một lớp phủ trắng xóa trên bức ảnh, làm nhạt màu sắc. Do đó, hai thông số này có thể làm tăng sắc độ, thần sắc cho chủ thể. Ngoài ra, chị em có thể tham khảo thông số nhiệt độ để kéo cho bức ảnh của mình theo tone màu ấm hay màu lạnh.
Độ sắc nét, độ nét, khử nhiễu: Ánh sáng mạnh làm mờ và làm mất đi chi tiết của bức ảnh. Sử dụng thông số Độ sắc nét và độ nét sẽ giúp khôi phục lại đường nét trên bức hình. Còn với thông số khử nhiễu sẽ hỗ trợ bức ảnh giảm thiểu bớt tình trạng ảnh bị nhiễu hạt sau khi can thiệp quá nhiều vào màu sắc của bức ảnh.
Từ những lưu ý về thông số khi điều chỉnh ảnh bị cháy sáng, chị em có thể tham khảo công thức dưới đây:
Công thức tham khảo chỉnh ảnh bị cháy sáng. Nguồn: trieucuongstudio
- Độ phơi sáng: -60
- Độ chói: +50
- Vùng sáng: -48
- Vùng tối: +20
- Tương phản: -25
- Độ sáng: +20
- Độ bão hòa, độ tươi: +10
- Độ sắc, độ nét: +5
Tuy nhiên, đây chỉ là công thức tham khảo dựa trên mức độ sáng của bức ảnh mẫu. Chị em có thể dựa vào các bước và các thông số trên ví dụ này để canh chỉnh sao cho thuận mắt nhất với bức ảnh của chính mình.
Phơi sáng là thông số chủ chốt để giảm bớt tình trạng cháy sáng, chị em cũng không nên lạm dụng kéo xuống quá nhiều để bức ảnh không bị tối.
Đây chỉ là cách chữa cháy tạm thời để cứu vớt bức ảnh cháy sáng. Để hạn chế nhất có thể tình trạng cháy sáng khi chụp ảnh, chị em không nên chụp ở những nơi có ánh nắng quá mạnh, ánh đèn quá gần với ống kính hoặc có thể dùng ô, mũ che nắng để giảm bớt lượng ánh sáng lọt vào máy ảnh.