Ngân hàng Nhà nước sẽ xác thực người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp khi mở tài khoản thanh toán

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nếu các bộ, ngành không mạnh tay chấn chỉnh tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì tình trạng lừa đảo sẽ xảy ra trên mọi lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực ngân hàng…

Tại Hội thảo - Triển lãm Smart Banking năm 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng: chiến lược vận hành an toàn và bền vững” ngày 29/10, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nhấn mạnh sau khi đã phủ sóng sản phẩm. dịch vụ số trên diện rộng, ngành ngân hàng phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm, dịch vụ đó.

PHỦ SÓNG PHẢI GẮN VỚI AN TOÀN

"Hiện tại, dữ liệu cho thấy có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn", ông Dũng nói.

Theo ông, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng,  phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình.

 

“Tính đến hết năm 2023, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Số liệu hoạt động thanh toán trong 8 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 cho thấy: Giao dịch TTKDTM tăng 59,05% về số lượng và 33,64% về giá trị, qua kênh Internet tăng tương ứng 50,85% và 33,15%, qua kênh điện thoại di động tăng 58,95% và 36,60%, qua QR Code tăng 109,03% và 111,37%. Giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,46% về số lượng và tăng 30,51% về giá trị; qua Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 34,03% về số lượng và 18,49% về giá trị”.

(Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước)

Theo Phó Thống đốc, sau khi ngành ngân hàng triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN thực hiện các biện pháp xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ 10 triệu đồng trở lên, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt nhưng không có giải pháp nào triệt để và hoàn hảo.

Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân nhưng từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.

Bởi vậy, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng hơn việc giám sát hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký. 

 
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng. Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ chú trọng hơn việc giám sát hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký".

Đồng thời, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.

TOÀN HỆ THỐNG NHẬP CUỘC

Cùng với các giải pháp mà Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề cập, để góp phần hạn chế, ngăn chặn sự gia tăng các chiêu thức của tội phạm công nghệ cao, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng đã phối hợp với các tổ chức thành viên cập nhật các Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng giải pháp công nghệ; đồng thời phối hợp với Bộ Công An, Hiệp Hội Ngân hàng, đề xuất quy trình phối hợp xử lý các tài khoản/thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo.

Qua đó góp phần hỗ trợ các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát, vận hành, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tới khách hàng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sự chuyển dịch từ ngân hàng truyền thống, ngân hàng số (Digital Bank) sang ngân hàng trí tuệ nhân tạo (AI Bank) đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Xu hướng này được thể hiện rõ qua số tiền mà các ngân hàng toàn cầu đầu tư cho ứng dụng trí tuệ

Ông Hùng cho biết trên phạm vi toàn cầu, 85% ngân hàng đã thiết lập chiến lược ứng dụng AI trong xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới và hơn 59% nhân sự đang sử dụng AI trong hoạt động hàng ngày. Kinh phí của các ngân hàng cho AI tạo sinh (GenAI) được dự đoán sẽ tăng lên 85 tỷ USD vào năm 2030, tăng mạnh so với mức 6 tỷ USD năm 2024, đánh dấu mức đầu tư tăng hơn 1.400%.

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dù những lợi ích và xu hướng bắt buộc áp dụng AI trong ngành ngân hàng đã thấy rõ, tuy nhiên, việc triển khai AI trong ngân hàng không dễ dàng. Vấn đề bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư luôn là mối quan tâm hàng đầu của tất cả các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng là một nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam.

"Trong bối cảnh hiện nay, khi sự phát triển của công nghệ đi kèm với tội phạm mạng đang trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới”, ông Hùng nói.

#box1730194334031{background-color:#e0edd4} #box1730194816877{background-color:#e0edd4} #box1730195023146{background-color:#e0edd4}