Nông dân “khóc ròng” vì cá lồng chết trắng lòng hồ thủy điện Yaly

Hàng chục tấn cá lăng đuôi đỏ của người dân nuôi trên lòng hồ thủy điện chết trắng. Cơ quan chức năng đã vào cuộc tìm nguyên nhân.

Cá chết trắng bè

Ngày 22/6, liên quan đến vụ hàng chục tấn cá lồng của người dân đột nhiên chết hàng loạt, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kon Tum đã kiểm tra, lấy mẫu nước trên lòng hồ thủy điện Yaly để tìm nguyên nhân.

Trước đó, ngày 20/6, người dân nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Yaly, thuộc địa phận làng Chờ (xã Yaly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) phát hiện đàn cá lăng đuôi đỏ nuôi trong lồng bắt đầu ngộp thở, nổi lên mặt nước rồi chết hàng loạt.

Ngồi thẫn thờ bên lồng cá của gia đình, nhìn cá chết nổi lềnh bềnh, bà Vũ Thị Nguyệt (ngụ làng Chờ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) rớt nước mắt nói: “Hàng chục tấn cá lăng đang chờ ngày thu hoạch, chỉ sau một đêm, gia đình bỗng trắng tay”. 

Theo bà Nguyệt tháng 6/2023, gia đình bà thả 15.000 con cá lăng giống xuống lồng. Với giá 9.000 đồng/con giống, gia đình bà đã đầu tư 135 triệu đồng. Sau 1 năm chăm sóc, số cá đã đạt trọng lượng trên 2 kg/con và chuẩn bị chờ ngày xuất bán. 

Dân sinh - Nông dân “khóc ròng” vì cá lồng chết trắng lòng hồ thủy điện Yaly

Hàng chục tấn cá lồng nuôi trên lòng hồ thuỷ điện Yaly bị chết hàng loạt.

Rạng sáng 20/6, bà Nguyệt phát hiện cá nổi lên và bám vào tấm lưới lồng bè. Thấy sự việc bất thường, gia đình bà Nguyệt đã đem sục khí ô xy để cứu đàn cá. Thế nhưng những nỗ lực đó cũng không cứu vãn được. Đến sáng cùng ngày, đàn cá lăng tiền tỷ của gia đình bà đã chết trắng cả lồng bè.

"Giá cá lăng hiện tại là 150.000 đồng/kg. Nhưng cá chết thì làm gì còn bán được với giá ấy. Với 12 tấn cá chết, gia đình tôi đành vớt lên bán đổ bán tháo để vớt vát chút đỉnh tiền đầu tư. Đàn cá trị giá 1,8 tỷ đồng cuối cùng chỉ bán được hơn 100 triệu đồng”,  bà Nguyệt nói.

Ông Vũ Văn Bình (60 tuổi, ở làng Chờ, xã Ya Ly), cho biết tháng 10/2024 mới có thể thu hoạch đàn cá này. Với số lượng 30.000 con, gia đình ông có thể thu về 20 tấn cá, nếu bán với giá thị trường sẽ được khoảng 3 tỷ đồng.

Thế nhưng chưa đến ngày thu, cá bỗng ngửa bụng ra chết, gia đình ông Bình đành vớt lên bán làm phân bón với giá 7.000 đồng/kg. 

Ông Bình nghẹn ngào: "Gia đình tôi đầu tư gần 270 triệu đồng cho lứa cá này. Gần 1 năm qua, mỗi ngày đều phải chi khoảng 4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Nay cá bất ngờ chết, gia đình chỉ có thể vớt lên bán cho người ta ủ phân, thu về được hơn 70 triệu đồng. Số cá còn sống dưới lồng bè cũng chẳng còn bao nhiêu".

Ông Đinh Trọng Lịch, Chủ tịch UBND xã Yaly cho biết, qua thống kê ban đầu thì có 20 lồng bè với khoảng 25 tấn cá chết, thiệt hại 3,8 tỷ đồng. Trong đó có hộ nuôi cá trong lồng chết 100% như hộ ông Võ Đình Sơn (chết 5,5 tấn), hộ bà Vũ Thị Nguyệt (chết 12 tấn).

Dân sinh - Nông dân “khóc ròng” vì cá lồng chết trắng lòng hồ thủy điện Yaly (Hình 2).

Cá chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân trắng tray.

Ngay sau khi người dân báo cáo về vụ việc, UBND xã đã huy động 40 cán bộ xã, dân quân đến hỗ trợ người dân vớt cá đem bán. 

"Xã đã dùng mạng xã hội và các kênh truyền thông khác nhằm kêu gọi cộng đồng "giải cứu" cá cho người dân. Trong chiều 20/6, UBND xã đã kêu gọi cộng đồng giải cứu được khoảng 5 tấn cá", ông Lịch cho biết thêm.

Làm rõ nguyên nhân cá chết

Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã cử cán bộ đến lòng hồ thủy điện Ya Ly hướng dẫn người dân kỹ thuật sục khí ô xy để cứu số cá có nguy cơ chết. Cán bộ của đơn vị cũng hướng dẫn người dân đẩy lồng bè đến khu vực nước sâu để bảo vệ số cá còn lại.

Theo ông Thanh, vào ngày 18 và 19/6, lượng nước đổ về lòng hồ Ya Ly khá lớn. Trong khi đó hồ thủy điện Ya Ly lâu nay đã tích nước khiến lượng bùn lắng dưới mặt nước.

Vào mùa mưa, thuỷ điện xả nước, để giữ trạng thái bình thường, đồng thời nhận nước và xả nước khiến lớp bùn lắng bị xáo trộn làm cá bị thiếu ô xy. Khi kiểm tra, các cán bộ Chi cục Thú y cũng phát hiện một lượng bùn bám vào mang cá.

Liên quan đến vấn đề này, phía Công ty thủy điện Ya Ly khẳng định việc vận hành hồ chứa Ya Ly và Pleikrông những ngày qua đều tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Ngày 22/6, công ty cho biết đã có báo cáo gửi các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Kon Tum, về tình trạng cá nuôi trong lòng hồ thủy điện Ya Ly chết hàng loạt.

Dân sinh - Nông dân “khóc ròng” vì cá lồng chết trắng lòng hồ thủy điện Yaly (Hình 3).

Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân ban đầu dẫn tới cá chết có thể là do mưa lớn làm rửa trôi lượng bùn đất và phù sa vùng bán ngập đổ xuống lòng hồ nơi đặt các lồng nuôi cá.

Theo báo cáo của Công ty thủy điện Ya Ly, khu vực cá chết thuộc vùng lòng hồ thủy điện. Nơi này nằm cách xa ngã ba sông thuộc hạ lưu thủy điện Pleikrông và nhánh sông Đăk Bla.

Nguyên nhân ban đầu dẫn tới cá chết có thể là do mưa lớn làm rửa trôi lượng bùn đất và phù sa vùng bán ngập đổ xuống lòng hồ nơi đặt các lồng nuôi cá. Từ đó dẫn tới tình trạng nguồn nước thiếu ô xy cục bộ, làm cá chết ngạt.