Tại hội nghị, nhiều nông dân đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành tiếp tục nghiên cứu các chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi sản xuất nông nghiệp, đặc biệt sau bão Yagi vừa qua.
Trao đổi với các nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trước khi bão Yagi xảy ra, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu ban hành chính sách tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nông nghiệp. Sau bão Yagi, Chính phủ cũng đã chỉ đạo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trực tiếp thị sát, nắm tình hình thiệt hại tại Quảng Ninh, Hải Phòng, 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất sau thiên tai để có ngay chính sách tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, nhanh chóng khắc phục hậu quả và khôi phục sản xuất.
“Mấy ngày sau bão, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải họp và đưa ra được cơ chế, chính sách tín dụng tháo gỡ về vốn cho nông dân, doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Sau đó đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện ngay, rất hiệu quả”, Thủ tướng nói.
"Muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng – hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng".
Trả lời câu hỏi của nông dân tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết sau bão có khoảng 126.000 khách hàng vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng, thiệt hại với tổng dư nợ lên đến 192.000 tỷ đồng.
“Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc ngay. Sau 2 ngày xảy ra bão, chúng tôi chỉ đạo tổ chức tín dụng có biện pháp khoanh, giãn, hoãn nợ cho nông dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại sau bão. Trong thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội nghị để tìm ra giải pháp hỗ trợ vốn để nông dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất”, ông Tú thông tin.
“Trong thời gian tới, rất sớm thôi , chính sách sẽ được ban hành. Theo chính sách mới, bà con sẽ được vay vốn cao gấp 2,3 lần mà không cần tài sản thế chấp. Đối với các chương trình lớn như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bà con sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp”.
(Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).
Theo ông Tú, sau bão, các nông dân, doanh nghiệp, nhất là về nuôi trồng thủy hải sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng bị thiệt hại rất nặng, có nhiều gia đình mất trắng, không có khả năng trả nợ.
“Để bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả, khôi phục lại sản xuất, chúng tôi để nghị các địa phương phối hợp để triển khai các biện pháp như khoanh, hoãn, giãn nợ ngay. Ngay sau đó, Thông tư 53/2024/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3 (bão Yagi)...) đã được ban hành và kịp thời giúp bà con tháo gỡ được các khó khăn trước mắt”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Ngoài chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 53, ông Đào Minh Tú cho biết các ngân hàng thương mại cũng có các gói tín dụng đặc thù với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ vốn cho bà con khôi phục sản xuất.
“Với các chính sách này, bà con nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng yên tâm. Các hộ dân, doanh nghiệp có phản hồi về vấn đề này tiếp tục ý kiến để chúng tôi tiếp thu, hỗ trợ ngay”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Phó Thống đốc nhấn mạnh lĩnh vực nông nghiệp, nông thông hiện đang hưởng nhiều chính sách ưu đãi tín dụng nhất trong các ngành kinh tế. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi, bổ sung Nghị định 55 theo hướng (1) bổ sung các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi tín dụng cho phù hợp với tình hình mới như các hộ/doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; (2) tăng hạn mức tín dụng so với quy định hiện hành với các khoản vay tín chấp.
“Trong thời gian tới, rất sớm thôi , chính sách sẽ được ban hành. Theo chính sách mới, bà con sẽ được vay vốn cao gấp 2,3 lần mà không cần tài sản thế chấp. Đối với các chương trình lớn như Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, bà con sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp”, ông Tú cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10/2024, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6,8% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng 23,55% tổng dư nợ nền kinh tế. , phù hợp với định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
#box1735632293632{background-color:#e0edd4}