Tỷ giá tăng 4,31% trong năm 2024 nhưng thấp hơn nhiều đồng tiền trong khu vực

Theo cập nhật của VnEconomy, đến ngày 31/12/2024, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,31% so với đầu năm. Dù vậy, VND vẫn là đồng tiền mất giá ít hơn so với KRW (Hàn quốc): 12,51%; PHP (Philippines): 4,74%; IDR ( Indonesia): 4,85%...

Ngày 31/12, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.335 VND/USD, tăng 8 đồng so với phiên liền trước. Tỷ giá trần lên mức 25.551 VND/USD, cao nhất kể từ đầu năm. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên cuối cùng của năm 2024 với mức 25.485 VND/USD, tăng 18 đồng so với phiên 30/12.

Các ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá USD/VND mua/bán ở mức 25.221 – 25.551 VND/USD, cao nhất năm 2024.

Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang trong phiên cuối cùng của năm 2024 sau khi tăng mạnh 90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra vào hôm 30/12, giao dịch tại 25.750 VND/USD và 25.850 VND/USD.

Theo cập nhật của VnEconomy, đến ngày 31/12/2024, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,31% so với đầu năm. Mức mất giá của VND so với USD thấp hơn 1 số đồng tiền khác như USD/KRW + 12,51%; USD/PHP +4,74%; USD/IDR + 4,85%.

Diễn biến của các đồng tiền trong khu vực so với USD trong năm 2024 (VnEconomy tổng hợp từ các bản tin thị trường) Diễn biến của các đồng tiền trong khu vực so với USD trong năm 2024 (VnEconomy tổng hợp từ các bản tin thị trường)

Trên thị trường mở, ngày 31/12/2024, có 1.989 tỷ đồng trúng thầu trên kênh cầm cố, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất trúng thầu 4%/năm, không có khối lượng đáo hạn. Có 5.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn 7 ngày được phát hành, lãi suất 4%/năm. Có 17.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 13.989 tỷ đồng ra thị trường thông qua kênh thị trường mở, gần gấp đôi phiên hôm qua. Có hơn 86.988 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố; có 50.780 tỷ đồng tín phiếu đang lưu hành trên thị trường.

 

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách  tài chính, tiền tệ quốc gia bày tỏ sự lo ngại khi đồng USD đang tăng giá nhưng Việt Nam lại không được phá giá VND theo đồng USD, để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Đây là thế khó cho Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Trên thị trường tiền lệ liên ngân hàng, ngày 31/12, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng 0,03 – 0,99 điểm phần trăm (đpt) ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần; giảm nhẹ ở kỳ hạn 2 tuần và không đổi ở kỳ hạn 1 tháng so với phiên 30/12.

Cụ thể: qua đêm 3,97% (+0,99 đpt); 1 tuần 4,97% (+0,03 đpt); 2 tuần 5,18% (-0,06 đpt); 1 tháng 5,3% (không đổi).

Lãi suất chào bình quân liên ngân hàng USD phiên 31/12 tăng nhẹ 0,01 – 0,04 đpt ở hầu hết các kỳ hạn dưới 1 tháng ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 1 tuần (so với phiên 30/12). Giao dịch tại: qua đêm 4,44%; 1 tuần 4,5%; 2 tuần 4,58%, 1 tháng 4,61%.

Trên thị trường thế giới, ngày 31/12 (theo giờ Việt Nam), chỉ số USD Index (DXY) đo sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác giao dịch quanh mức 107,7 điểm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách  tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: trong năm 2025, nếu chỉ số DXY không giảm xuống dưới 100 điểm mà ở khoảng 103 điểm sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Ông Nghĩa bày tỏ sự lo ngại khi đồng USD đang tăng giá nhưng Việt Nam lại không được phá giá VND theo đồng USD, để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ. Đây là thế khó cho Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới.

Việt Nam đã vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí khi Mỹ xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn, đó là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ đạt 111,7 tỷ USD trong bốn quý gần nhất (vượt quá 15 tỷ USD), thặng dư cán cân vãng lai tương đương 5% GDP (vượt 3% GDP).

Việt Nam đang bị đè nặng bởi nỗi lo bị xếp vào danh sách 5 trong 9 nước bị Mỹ theo dõi đặc biệt. Khi tỷ giá USD/VND tăng lên giúp Việt Nam hưởng lợi khi xuất khẩu sang Mỹ, song cũng dễ bị liệt vào danh sách thao túng tiền tệ.

Theo ông Nghĩa, với tư duy người làm kinh doanh, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn duy trì lãi suất thấp để có lợi cho doanh nghiệp, song không muốn giảm giá trị của đồng USD. Do hầu hết quốc gia đều dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD, khi đồng USD mạnh thì các quốc gia không thể nào chọn đồng tiền khác làm dự trữ, tức ông Trump muốn tăng quyền lực kinh tế của Mỹ.