VBA vừa có công văn gửi Chính phủ và các bộ/ngành liên quan về tác động từ thuế đối ứng của Mỹ tới ngành đồ uống trong nước.
Theo VBA, dù chưa thể đánh giá toàn diện tác động tiêu cực từ quyết định áp thuế 46% với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, nhưng có thể thấy một trong những trụ cột cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 là “đẩy mạnh xuất khẩu” đang bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Trong bối cảnh đó, VBA cho rằng một trong những động lực tăng trưởng đã được nhận diện là tiêu dùng trong nước, cần được quan tâm, thúc đẩy hơn bao giờ hết để củng cố sức mạnh nội tại của Việt Nam. Ngoài ra, ngành đồ uống là lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia như Heineken, Carlsberg, Coca-Cola, AB InBev, Suntory PepsiCo. Việc xuất hiện những bất ổn từ môi trường thương mại quốc tế có nguy cơ ảnh hưởng đến niềm tin, kế hoạch mở rộng và duy trì hoạt động của các tập đoàn này tại Việt Nam.
Do vậy, VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần thận trọng, đồng thời xem xét lộ trình áp dụng phù hợp đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát, nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến ngành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế những năm tới.
“Việc Chính phủ xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm tăng thu ngân sách, điều tiết hành vi tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, Chính phủ cần có nghiên cứu và đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện, đồng thời xây dựng lộ trình phù hợp nhằm tránh tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và gây tác động bất lợi đến người tiêu dùng cũng như xã hội”, TS. Dương Đình Giám, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, phát biểu tại toạ đàm Thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành nước giải khát tổ chức chiều 4/4/2025.

Liên quan đến việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt tại Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết khi bà còn công tác tại Bộ Tài chính đã từng có đề xuất như vậy. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cơ sở để đề xuất chính sách này còn chưa rõ ràng, chưa đủ sức thuyết phục nên đã bị loại khỏi dự thảo. Hiện nay, nếu đề xuất này được đưa trở lại, cần tính toán thật kỹ lưỡng. Nếu chưa thực sự đầy đủ và có cơ sở khoa học vững chắc thì nên tạm dừng để tiếp tục nghiên cứu.
Chủ tịch VTCA nhấn mạnh: “Việc áp thuế cần hài hòa nhiều mục tiêu. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng là điều quan trọng, nhưng cũng cần xem xét kỹ các tác động lan tỏa tới doanh nghiệp và chuỗi ngành hàng liên quan”.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công bố đang khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn hơn. Những tác động chồng chất là điều khó tránh khỏi. Các tập đoàn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang rất quan ngại trước diễn biến này.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và phát triển bền vững. Việc áp dụng thêm sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, nếu chưa thực sự cấp thiết, thì nên tạm hoãn.
Đại diện VAFIE kiến nghị nếu Quốc hội vẫn xem xét việc áp thuế, thì cần có lộ trình phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, có thể áp dụng thuế sau 2 năm kể từ khi Luật có hiệu lực và thuế suất khởi điểm chỉ nên ở mức 5%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) lo ngại việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn và có đường ở thời điểm hiện nay sẽ vô tình tạo lợi thế cho hàng lậu, trốn thuế. Nếu tăng thuế quá cao và sốc dẫn đến tăng giá sản phẩm, có thể dẫn tới việc gia tăng chuyển dịch sang tiêu dùng các mặt hàng bất hợp pháp (hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ).
Ông Sinh đề xuất các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc tránh tạo chênh lệch lợi ích quá lớn giữa hàng hợp pháp và bất hợp pháp nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu, trốn thuế gia tăng.