Bộ Tư pháp vừa đăng tải hồ sơ thẩm định Luật tiết kiệm, chống lãng phí do Bộ Tài chính chủ trì.
CHỈNH SỬA, BỔ SUNG LÀM RÕ 6 CHÍNH SÁCH LỚN
Theo Bộ Tài chính, qua 10 năm thực hiện, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được một số kết quả nhất định, tạo chuyển biến và nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân trên các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, gây nhiều hệ lụy cho phát triển.
Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến hạn chế, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến việc thiếu các quy định về chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa. Hiện chưa có các quy định riêng về xử lý kỷ luật tương ứng với từng hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mặt khác, nhiều luật mới được ban hành sửa đổi, bổ sung như Luật Ngân sách nhà nước năm 2015; Luật Đầu tư công năm 2014, 2019… làm cho một số quy định tại Luật Tiết kiệm, Chống lãng phí không còn phù hợp.
Từ đó, Bộ Tài chính dự kiến chỉnh sửa, bổ sung để làm rõ 6 chính sách lớn:
Thứ nhất là hoàn thiện các quy định liên quan đến nhận diện “tiết kiệm”, “lãng phí”, “hành vi gây lãng phí” và “hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng chống lãng phí”;
Thứ hai là tiếp tục hoàn thiện quy định về chế tài xử lý đối với hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí;
Thứ ba là bổ sung cơ sở để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra, phát hiện lãng phí thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai về tiết kiệm, chống lãng phí;
Thứ tư là tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia có trách nhiệm vào công tác tiết kiệm, chống lãng phí;
Thứ năm là tiếp tục hoàn thiện các quy định để thực hiện phòng, chống lãng phí, tiêu cực từ cơ sở, trong đó tập trung tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng ban hành Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm của đơn vị mình;
Thứ sáu là tiếp tục hoàn thiện các quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa Luật Tiết kiệm, chống lãng phí với các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan.
DỰ KIẾN 8 NHÓM HÀNH VI GÂY LÃNG PHÍ
Bộ Tài chính dự kiến 8 nhóm hành vi gây lãng phí bao gồm:
Một là hành vi lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước
Hai là hành vi gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, nhà ở thuộc tài sản công;
Ba là hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, năng lượng;
Bốn là hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước;
Năm là hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Sáu là hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công;
Bẩy là hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư
Tám là hành vi gây lãng phí các nguồn lực khác của nền kinh tế theo quy định của Chính phủ (hành vi bổ sung mới).
Đề xuất 8 hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện, phòng chống lãng phí dự kiến gồm:
Một là hành vi vi phạm trong ban hành, thực hiện và kiểm tra định mức, tiêu chuẩn, chế độ
Hai là hành vi vi phạm trong ban hành các chương trình tiết kiệm, chống tiết kiệm (hành vi bổ sung mới)
Ba là hành vi vi phạm trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, chỉ tiêu, yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí đã ban hành (hành vi bổ sung mới)
Bốn là hành vi vi phạm trong báo cáo kết quả công tác tiết kiệm, chống lãng phí (hành vi bổ sung mới)
Năm là hành vi vi phạm trong công khai về tiết kiệm, chống lãng phí (hành vi bổ sung mới)
Sáu là hành vi vi phạm trong việc lấy ý kiến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trước khi quyết định đối với các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị (hành vi bổ sung mới
Bẩy là hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (hành vi bổ sung mới)
Tám là hành vi bao che, cản trở hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý khiếu nại, tố cáo, xử lý người vi phạm pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ đề xuất xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025.