Bộ Tài chính sắp ra mắt công cụ AI kiểm soát doanh thu các sàn thương mại điện tử

Theo ông Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, trong 4 năm, ngân sách vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng dù giãn, giảm thuế lớn gần 800 nghìn tỷ đồng. Đạt được kết quả khả quan trên nhờ việc đổi mới quản lý thuế từ thủ công sang điện tử...

Ngày 5/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 và nhiều nội dung quan trọng khác.

VƯỢT THU NGÂN SÁCH 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG DÙ GIÃN VÀ GIẢM THUẾ KỶ LỤC

Thảo luận tại hội trường, một số đại biểu đề nghị làm rõ việc chống thất thu ngân sách, ông Hồ Đức Phớc, Phó Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết 4 năm qua Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc giãn, giảm nhiều loại thuế, phí lên đến gần 800.000 tỷ đồng để phục hồi và kích thích sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch và xung đột trên thế giới. 

Mặc dù vậy, trong 4 năm qua, ngân sách cũng đã vượt thu gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc, cảng biển, sân bay, an sinh xã hội... Để có được kết quả như vậy, toàn ngành thuế và ngành hải quan đã phải đổi mới phương thức thu, từ thủ công sang điện tử.

Cùng với đó, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai quyết liệt như phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với máy tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần thanh toán; tăng cường quản lý thu qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, sàn thương mại điện tử trong nước, giao dịch chuyển nhượng bất động sản… 

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quochoi.vn. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quochoi.vn.

Đối với sàn thương mại điện tử, ông Hồ Đức Phớc cho biết hiện cơ quan thuế đã triển khai thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với 102 nhà cung cấp nước ngoài như: Facebook, Google…, tổng số thuế đã nộp đến nay là 18.600 tỷ đồng. Với sàn thương mại điện tử trong nước, năm nay bắt đầu thu, riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thu đạt 35.000 tỷ đồng.

"Dự kiến trong tuần sau, chúng tôi sẽ ra mắt công cụ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử", Phó Thủ tướng cho biết.

MẤU CHỐT LÀ XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu trong phiên thảo luận.

Có đại biểu phàn nàn rằng việc thủ tục thu tiền sử dụng đất chậm trễ do thủ tục phức tạp. Trả lời về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc nêu rõ việc chậm ở đây là do xác định giá đất chậm, còn thủ tục thu tiền sử dụng đất không có gì phức tạp. Khi chưa có giá đất, cơ quan thuế chưa thể phát hành hóa đơn để thu tiền sử dụng đất. 

Thông thường, khi có giá đất thì căn cứ thông tin của Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tính toán được tiền sử dụng đất ở là bao nhiêu, tiền thuê đất là bao nhiêu, sau đó cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế, người nộp thuế nộp vào Kho bạc Nhà nước. Mấu chốt là việc xác định được giá đất là rất khó khăn.

Liên quan đến vấn đề giá đất, Phó Thủ tướng cũng thông tin thêm rằng hiện nay nợ tiền sử dụng đất của cả nước chiếm tới 45% tổng nợ thuế của cả nước, thuộc vào nợ khó đòi. Số tiền phạt chậm nộp thậm chí gấp nhiều lần nợ gốc.

Trong lần sửa Luật Đất đai vừa qua, dù đã có kiến nghị rằng khi dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và quy hoạch để được phê duyệt, căn cứ vào đó tính giá đất, trong vòng 180 ngày sẽ giao đất. Thế nhưng, quy định vẫn giữ nguyên theo hướng giao đất thì mới tính tiền sử dụng đất.

Tính giá đất xong, nhiều doanh nghiệp nhận đất rồi nhưng không nộp tiền sử dụng đất, dù tiền phạt chậm nộp lại thấp hơn lãi vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản khiến tiền đất này không thể thu hồi…

CHI THƯỜNG XUYÊN HẾT SỨC TIẾT KIỆM

Cũng theo phản ánh của các đại biểu Quốc hội, chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên chưa phân bổ hết dự toán và vấn đề giải ngân chậm. Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng đây là thực tiễn hiện đang xảy ra, đòi hỏi sắp tới phân bổ dự toán ngân sách và bố trí kế hoạch chi đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức thực hiện.

Để phân bổ vốn đòi hỏi phải có đầy đủ thủ tục quy định theo các văn bản pháp luật. Chẳng hạn, với đầu tư công, khi chưa có dự án được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thể tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội phân bổ vốn. Tương tự với chi thường xuyên, để phân bổ phải có dự toán và đơn giá, định mức được duyệt.

Khi lập dự toán vào tháng 9-10, các bộ, ngành chưa lập được dự đoán chính xác mà chỉ ước tính căn cứ vào đầu việc. Sau này, khi có con số chính xác thì phải trình qua Chính phủ, Quốc hội. Đây là những vướng mắc về quy định.

Đơn cử, với phân bổ chi thường xuyên cho khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo Quốc hội quy định là 2% tổng chi ngân sách nhưng các năm qua chỉ chi được hơn 1%. Nguyên nhân bởi dù dự toán là 2% nhưng khi thực hiện, phải có đơn giá, định mức được phê duyệt, do các bộ, ngành nêu trên phụ trách thực hiện. 

Tuy nhiên, sau khi tập hợp từ các bộ, ngành thì thường không đủ theo mức này. Sau khi tập hợp cũng phải báo cáo Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội… do đó thường sẽ chậm.

Đề cập đến giải pháp, Phó Thủ tướng cho biết mới đây Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp bàn về đổi mới trong việc phân bổ dự toán cả trong chi thường xuyên và chi đầu tư.

Với chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các tỉnh, bộ, ngành để phân bổ theo quy định. Bộ Tài chính sẽ kiểm tra lại việc thực hiện đúng hay không.

Về tiết kiệm chi thường xuyên, Phó Thủ tướng nêu rõ thực chất tiết kiệm chi thường xuyên chủ yếu ở phần chi sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm, chi phí công tác phí, hội nghị, tiếp khách, chứ không áp dụng với lương và các khoản phụ cấp theo lương.

Trong chi thường xuyên, chi cho tiền lương chiếm phần lớn, còn lại các khoản chi khác ngay đầu kỳ khi giao dự toán đã cắt giảm 10%. Sau đó lại giảm tiếp 5% và tới đây lại giảm tiếp 5%. Như vậy, tổng mức tiết kiệm đạt được 20% và không thể cắt giảm được nữa.

Trong khi đó, định mức ban hành từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã nhiều lần tăng lương nhưng định mức chi là chưa thay đổi. Bây giờ chỉ khuyến khích các bộ, ngành, địa phương có thể tiết kiệm các khoản chi khác như: đi nước ngoài, công tác phí, hội nghị... Chính phủ năm nay đã trình tiết kiệm 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên.

Ngoài ra, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo để đẩy mạnh tiết kiệm chi trong đầu tư côn, từ tiết kiệm trong định mức mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển… để tiết kiệm được  trong chi đầu tư.