Giữa trăm vạn bom rơi đạn lạc, dù hàng ngàn lá thư gửi đi bặt vô âm tín, bà vẫn vững tin rồi ông sẽ về khi đất nước hòa bình. Giữa không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, nhiều người trẻ thể hiện tình yêu nước qua những bài đăng trên MXH, thể hiện niềm tự hào khi có ông bà là cựu chiến binh.
Tình yêu vượt qua bom đạn "thời ông bà" khiến người trẻ ngưỡng mộ
"Chiến tranh đã lấy mất của ông một bên chân. Ông từ kháng chiến trở về, bà vẫn quyết định theo ông mặc hàng xóm lời ra tiếng vào. Chàng trai 76 tuổi này đã không phụ lòng cô gái năm ấy. Ông bảo thời của ông bà trọng lời hứa lắm, vì vậy nếu không làm được thì đừng nói gì cả" - TikToker "Múi Chia Sẻ" kể về ông bà.


"Ông trở về từ chiến trường với cơ thể không lành lặn, bà vẫn chấp nhận. Ông đi nhập ngũ năm 1965, được nghỉ phép 3 ngày do có thành tích bắn súng xuất sắc. Ông trở về quê hương, và cưới bà. Hạnh phúc của ông bà vỏn vẹn trong 3 ngày nghỉ phép, rồi ông hành quân vào miền Nam đánh giặc.
7 năm bà mòn mỏi chờ ông cũng là 7 năm ông mong từng ngày trở về để gặp bà. Cuối cùng thì ông cũng giữ lời hứa trở về dù không còn lành lặn như ngày ông đi. Bà thương ông lắm, thương những vết sẹo, thương từng giọt máu ông đã hy sinh vì dân tộc, vì Tổ quốc. Ông thương bà nhiều, tần tảo sớm hôm chăm lo cho gia đình chờ một người không rõ ngày về" - Oanh chia sẻ về tình yêu thời chiến của ông bà


"Đây là ông nội em, thật tự hào màu áo lính, thật tự hào vì có ông nội là cựu chiến binh" - Bạn Hà Bùi chia sẻ.

Có những lời hứa không trở thành hiện thực, có những người nằm xuống để đất nước được hòa bình
Ngày xưa, thầy giáo dạy Văn của tôi từng nói một câu thế này: "Hãy nhìn sâu hơn vào những nụ cười ngày chiến thắng, giành độc lập thống nhất đất nước, để thấy cả sự nghẹn lại của những người có thân nhân mãi mãi ở lại nơi chiến trường" .
Ông bà chúng ta ra trận, mỗi người một nơi nhưng đều chung một niềm tin, một niềm hy vọng được trở về khi đất nước đã hòa bình. Với thế hệ chúng ta, niềm tin của ông bà đã trở thành hiện thực. Còn với những người có người thân hy sinh, là chồng, là con, niềm tin ấy đã khuyết mất một nửa.
Niềm vui hòa bình của ngày hôm nay chứa đựng cả niềm xót thương dành cho những người không bao giờ trở về.
"Ngày ấy chiến tranh ác liệt, để con đi thì tôi dễ mất con nhưng giữ con lại thì mất nước" - Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Lang nói lý do không ngăn cản người con trai mới 18 tuổi nhập ngũ.

Ngày nói lời chào tạm biệt, đất nước vẫn còn đang chiến tranh, ra đi với niềm tin "sẽ có ngày hòa bình" cùng lời hứa trở về, với những bà mẹ Việt Nam anh hùng, sự trở về ấy tính bằng nhiều thập kỷ để được gặp lại người thân trong "một hình hài khác".

Chúng ta – thế hệ sinh ra và lớn lên giữa hòa bình – có thể chưa từng nghe tiếng bom nổ bên tai, cũng chưa từng phải viết những bức thư gửi đi mà không chắc có ngày nhận lại. Nhưng đâu đó trong mỗi gia đình, trong mỗi album ảnh cũ hay ánh nhìn đượm buồn của ông bà, vẫn còn những ký ức chưa phai của một thời bom đạn. Thật tự hào khi trong mỗi dòng họ, trong mỗi khu phố, đều có những người đã từng khoác lên mình màu áo lính – là thế hệ ông bà của chúng ta – những con người đã hiến dâng cả tuổi trẻ cho lý tưởng độc lập, tự do.
Ở thời đại này, chúng ta có thể yêu một người qua vài tin nhắn, chia tay nhau chỉ bằng một biểu tượng cảm xúc. Còn thế hệ ông bà, yêu nhau giữa chiến tranh, không có gì ngoài lòng tin và lời hứa: "Đợi anh trở về". Có người trở về – trong vòng tay yêu thương. Có người không bao giờ – chỉ trở lại trong giấc mơ hoặc chiếc hũ hài cốt được tìm thấy sau mấy chục năm.
Hòa bình không tự nhiên mà có. Hòa bình có máu của ông cha ta.
