Đắk Lắk: Tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 560 vụ vi phạm lâm luật, tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Thiệt hại hơn 190 tỷ đồng do hạn hán, lốc tố, mưa đá

Sáng 18/6, tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển ổn định, năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản ước đạt 7.313 tỷ đồng, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước.

Dân sinh - Đắk Lắk: Tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp

Tại buổi gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã thông tin về tình hình phát triển ngành trong 6 tháng đầu năm 2024. 

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá SS 2010) đạt 17.805 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023; theo giá hiện hành là 33,680 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có chứng nhận... đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét đã gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 1 đợt hạn hán và 3 trận lốc tố, mưa đá gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh. Ước thiệt hại khoảng 191 tỷ đồng (tăng 180 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Dân sinh - Đắk Lắk: Tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp (Hình 2).

Nhiều diện tích lúa bị thiệt hại nặng nề do mưa đá. 

Cụ thể, do ảnh hưởng của El Nino, mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nắng nóng xảy ra khốc liệt trên diện rộng. Trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 5.100ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng hạn hán; 1.348 hộ dân (với hơn 5.300 nhân khẩu) sử dụng nước giếng thuộc các huyện Krông Pắk, huyện Krông Búk, huyện Krông Bông, huyện Cư M’gar và huyện Ea Súp bị thiếu nước sinh hoạt. Từ ngày 18-21/5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có mưa dông trên diện rộng, với lượng phổ biến từ 20-50 mm/24h, một số khu vực >100 mm. Do đó, tình hình hạn hạn trên địa bàn tỉnh cơ bản đã giảm nhiệt, hiện nay các địa phương đang rà soát, thống kê thiệt hại.

Đáng chú ý, vào chiều tối 26/4, trên địa bàn huyện Krông Pắk xảy ra trận mưa đá làm thiệt hại 340ha diện tích cây trồng trên địa bàn. Trong đó, có 310ha lúa hầu hết các diện tích lúa đang chuẩn bị thua hoạch, 5ha ngô, 25ha rau xanh.

Còn tại địa bàn huyện Ea Kar, đã xảy ra 2 trận mưa dông kèm lốc tố làm hư hỏng 4 phòng học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, 8 nhà dân, 2 ha cây trồng các loại.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang rà soát, tổng hợp tình hình thiệt hại do hạn hán, lốc tố và mưa đá gây ra để làm cơ sở tổng hợp tham mưu báo cáo, đề xuất các Bộ, ngành trung ương xem xét, hỗ trợ theo quy định.

Xảy ra 560 vụ vi phạm lâm luật trong 6 tháng đầu năm

Cùng với việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi, công tác quản lý, bảo vệ rừng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu năm.

Theo đó, ngay từ đầu năm nhận định tình hình nắng nóng, hạn hán có thể xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở phối hợp với chính quyền địa phương và đơn vị chủ rừng tổ chức tuyên truyền qua phương tiện truyền thanh, truyền hình của cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tổ chức phát thanh lưu động tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng với các tổ chức, cá nhân; thực hiện tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp tại UBND cấp xã; họp thôn, buôn; ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ dân sống gần rừng...

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tiếp tục được tăng cường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo UBND các huyện, chủ rừng chủ động rà soát xác định xác định cụ thể những khu vực trọng điểm về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Để từ đó, triển khai phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng trên địa bàn quản lý. Qua đó, nhiều vụ vi phạm đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Dân sinh - Đắk Lắk: Tình trạng phá, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp (Hình 3).

Các cơ quan chức năng nỗ lực triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, đã xảy ra 560 vụ vi phạm lâm luật (tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023). Cơ quan chức năng đã tịch thu 158,69 m3 gỗ các loại, 43 phương tiện vi phạm, tổng các khoản thu 655 triệu đồng. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm lâm luật vẫn diễn biến phức tạp là do các đơn vị chủ rừng không đủ lực lượng chuyên trách để bảo vệ rừng. Cụ thể, một số công ty TNHH MTV lâm nghiệp không đủ kinh phí để trả lương cho người lao động, nợ lương kéo dài; có đơn vị nợ lương công nhân đến 12 tháng; một số lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đã xin nghỉ việc; dẫn đến không có đủ lực lượng để bảo vệ rừng....

Bên cạnh đó, kiểm lâm cơ sở ở một số nơi còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, chưa đủ biện pháp mạnh để trấn áp “lâm tặc”.

Mặt khác, chính quyền các cấp thiếu sự kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên, nên hoạt động bảo vệ rừng tận gốc, tại cấp xã cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều diện tích rừng, đất rừng bị chặt phá, xâm canh, lấn chiếm trái phép nhưng chưa xử lý giải tỏa, thu hồi để phục hồi lại rừng hoặc bố trí sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch do trong thực tế hầu hết người dân thiếu đất sản xuất, đối tượng vi phạm thường là các hộ nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng chưa tương xứng với lao động và thu nhập của người lao động...

Khánh Ngọc