“Đất nước” là tác phẩm xuất hiện nhiều trong đề thi 10 năm qua

Theo giáo viên dạy Văn tại Tp.HCM, tác phẩm “Đất nước” có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong 10 năm qua, tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ngày 27/6, ghi nhận thực tế tại một số điểm thi THPT tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh vui mừng cho biết làm bài tốt vì đã từng được ôn tập tác phẩm “Đất nước” rất kỹ.

Nhiều thí sinh vui vì "trúng" đề

Theo chia sẻ của thí sinh Cao Phong, Trường THPT Gia Định: “Hầu như các bạn đã học bài ôn bài kỹ nên các bạn trong phòng thi làm bài rất tốt. Em đã được giáo viên ôn tập kỹ nên tự tin đạt điểm khá. Do em đăng ký chuyên về các môn tổ hợp tự nhiên, nhưng với môn Văn, em thấy đề khá hay, phù hợp và tự tin nhận điểm 7, 8”.

Giáo dục - “Đất nước” là tác phẩm xuất hiện nhiều trong đề thi 10 năm qua

Đề Văn gọi tên "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm như dự đoán của nhiều học sinh.

Còn chị Hồng Hà, phụ huynh một thí sinh dự thi tại điểm thi này cho biết: "“Đất nước” là tác phẩm trọng tâm, nội dung hay thì có khả năng trúng tủ nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, dù trúng hay không, nếu học sinh không học tập chăm chỉ, có kiến thức nền tảng vững chắc thì không thể làm bài đạt điểm cao".

Đánh giá về đề thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 các giáo viên cho rằng, đề thi năm nay giữ ổn định cấu trúc so với năm ngoái, khá nhiều thí sinh “trúng tủ”.

Giáo dục - “Đất nước” là tác phẩm xuất hiện nhiều trong đề thi 10 năm qua (Hình 2).

Thí sinh thi môn Ngữ văn tại điểm thi Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh).

Đánh giá tổng thể về đề thi Ngữ văn, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên môn Văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho rằng, đề thi không khó, phù hợp để xét tốt nghiệp, tuy nhiên đề thi không có yếu tố bất ngờ. Về cơ bản cấu trúc và cách hỏi tương tự như mọi năm. Với các thí sinh có quá trình ôn luyện chăm chỉ và có kỹ năng làm bài thì có thể dễ dàng đạt 7 điểm trở lên.

Phân tích từng phần của đề thi, thầy Đỗ Đức Anh nói: Ở phần đọc hiểu là một văn bản xuôi, ngữ liệu trong văn bản có độ dài vừa vặn, diễn đạt dễ hiểu vấn đề nội dung đặt ra trong bài viết cũng hay, có tính khơi gợi và có giá trị thẩm mỹ, giá trị giáo dục.

4 câu hỏi của phần đọc hiểu tương đối dễ, học sinh dễ kiếm điểm tuyệt đối ở phần này nếu bài làm bài kỹ lưỡng.

Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc kiểu chống điểm liệt, thí sinh chỉ cần chép từ văn bản ra là có điểm; câu 3 và câu 4 thí sinh phải hiểu vấn đề thì mới trả lời được tác dụng của việc liên tưởng so sánh dòng chảy của con sông với lịch sử của sự sáng tạo nghệ thuật và rút ra bài học về lối sống cho bản thân.

“Tôi đánh giá cao và khá thích đề đọc hiểu, các câu hỏi không bị cũ kỹ và không thiên về kiểm tra kiến thức tiếng Việt, ngữ pháp như mọi năm. Câu số 4 có độ mở cho thí sinh có cơ hội được nói lên suy nghĩ riêng của bản thân”, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ.

"Đất nước" nằm trong dự đoán của nhiều thí sinh 

Phần làm văn, câu 1 nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh viết đoạn văn về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, vấn đề đặt ra thú vị, vừa phải với học sinh và phù hợp tâm lý lứa tuổi mới lớn đang muốn khẳng định mình. Đề cũng có tính giáo dục cao, khá gần gũi dễ hiểu. Với những thí sinh có kỹ năng viết đoạn nghị luận xã hội có thể dễ dàng xử lý tốt câu này trong thời gian ngắn vì vấn đề đặt ra không khó, dễ tìm ý.

Giáo dục - “Đất nước” là tác phẩm xuất hiện nhiều trong đề thi 10 năm qua (Hình 3).

Thí sinh được hướng dẫn làm thủ tục trước khi thi.

Câu 2 nghị luận văn học gọi tên tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, đây là một trong những tác phẩm có tần suất xuất hiện trong đề thi nhiều nhất trong 10 năm. Do đó, tác phẩm này có lẽ đã nằm trong dự đoán ôn trọng tâm của nhiều thí sinh nên khi phát đề thí sinh không quá bất ngờ.

“Đoạn thơ không quá dài nhưng khi phân tích thì lại có nhiều vấn đề gợi mở nhiều luận điểm, nhiều yêu cầu phân tích nên đòi hỏi thí sinh phải biết xử lý đề, có kỹ năng làm bài mới làm kịp thời gian. Nếu không biết phân tích theo luận điểm nhiều thí sinh sẽ rơi vào tình trạng phân tích dàn trải tất cả các câu thơ thì sẽ thiếu thời gian làm bài”, thầy Đỗ Đức Anh phân tích.

Giáo dục - “Đất nước” là tác phẩm xuất hiện nhiều trong đề thi 10 năm qua (Hình 4).

Những thí sinh làm bài xong sớm môn Ngữ văn tại thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, ngoài yêu cầu chính là phân tích đoạn thơ, đề còn có một yêu cầu phụ để phân loại thí sinh là nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn trích. Phần này thuộc phong cách thơ rất đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm, nhưng có lẽ sẽ khiến nhiều thí sinh lúng túng.

Nguyễn Lành