Một số dự báo cho rằng giá vàng có thể đạt mức 3.000 USD/oz trong nửa đầu năm tới.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 27,2 USD/oz so với mức chốt cuối tuần trước, tương đương tăng hơn 1%, chốt ở mức 2.660,7 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Gần 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,1 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.660,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 81,6 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria khiến thế giới thêm phần lo ngại về bất ổn ở Trung Đông. Các cuộc không kích của Mỹ và Israel đã được tiến hành, nhằm vào hàng chục mục tiêu quân sự ở Syria nhằm ngăn chính quyền mới của nước này tiếp cận với các kho vũ khí và đạn dược. Những diễn biến này thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng - một “hầm trú ẩn” truyền thống.
Thị trường kim loại quý còn được hỗ trợ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ triển khai thêm các biện pháp chính sách tài khóa tích cực, chủ động và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua vàng dự trữ trở lại vào tháng 11 vừa qua sau 5 tháng ngừng mua ròng liên tiếp cũng là một động lực cho giá vàng tăng phiên đầu tuần.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc đang đẩy thị trường chứng khoán và tỷ giá đồng won sụt giảm. Đây là một lý do khác khiến nhu cầu nắm giữ vàng gia tăng.
“Yếu tố quan trọng nhất là tin PBOC nối lại việc mua vàng. Thị trường đang tràn trề hy vọng rằng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ mua thêm vàng và nhu cầu vàng của khối ngân hàng trung ương sẽ lập kỷ lục mới”, chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities nhận xét.
Theo một báo cáo gần đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua ròng 60 tấn vàng trong tháng 10, mức mua ròng cao nhất của khối này kể từ đầu năm tới nay. Trong đó, lượng mua nhiều nhất thuộc về Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) với 27 tấn, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan, tương ứng 17 tấn và 18 tấn.
Nhu cầu tăng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương là một phần động lực quan trọng hỗ trợ giá vàng tăng trong năm nay, bên cạnh chính sách tiền tệ nới lỏng và căng thẳng địa chính trị.
Liên quan đến lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng gần 86% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Rhona O’Connell của công ty StoneX, nếu Fed dừng giảm lãi suất và đưa ra tín hiệu thận trọng về giảm lãi suất, giá vàng có thể đương đầu với áp lực giảm.
Theo nhà phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco News, xét trên phương diện kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá lên đang chiếm ưu thế ngắn hạn với các hợp đồng vàng giao tháng 2. Mục tiêu của các nhà đầu cơ giá lên là đưa giá vàng đóng cửa vững chắc trên mức 2.478 USD/oz. Trong khi đó, mục tiêu của phe giá xuống là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật mạnh 2.600 USD/oz.
Kháng cự đầu tiên nằm ở mức 2.700 USD/oz, tiếp đến là 2.730 USD/oz. Ngược lại, hỗ trợ đầu tiên là mức 2.675 USD/oz, tiếp đến là 2.650 USD/oz - theo ông Wyckoff.
Trong dự báo mới nhất về giá vàng năm 2025, Bank of America khuyến nghị nhà đầu tư kiên nhẫn, cho rằng giá kim loại quý này vẫn đang trên đà đạt mức 3.000 USD/oz trong 6 tháng đầu năm 2025. Trưởng nghiên cứu Michael Widmer của nhà băng lớn thứ hai của Mỹ nhận định dù sẽ tiếp tục đối mặt với một số trở ngại trong năm tới, như lợi suất trái phiếu tăng, đồng USD mạnh lên, Fed có thể giảm tốc độ giảm lãi suất… giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi sự bất định về kinh tế và địa chính trị.
Trong lần dự báo này, Bank of America cũng kỳ vọng giá vàng đạt mức bình quân 2.750 USD/oz trong 2025, không thay đổi so với dự báo trước.