Được coi là một trụ cột trong chính sách kinh tế nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, dự luật trên bao gồm gia hạn các biện pháp cắt giảm thuế năm 2017 mà ông Trump khởi xướng, bổ sung thêm việc miễn thuế tiền tip, và tăng chi tiêu cho quốc phòng và thực thi luật pháp về nhập cư.
Để bù đắp cho các biện pháp giảm thuế và tăng chi tiêu này, dự luật đề xuất cắt giảm chi tiêu cho một số chương trình phúc lợi xã hội như Medicaid và chấm dứt nhiều khoản trợ cấp cho lĩnh vực năng lượng sạch. Dù vậy, dự luật được nhận định sẽ làm thâm hụt ngân sách của Washington tăng thêm hàng nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Đảng Cộng hòa - vốn nêu cao khẩu hiệu giảm thâm hụt ngân sách - cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn sẽ giúp bù đắp sự thiếu hụt, nhưng theo giới phân tích kế hoạch này sẽ khiến cho bức tranh tài khóa của Chính phủ liên bang Mỹ thêm phần ảm đạm.
CUỘC TRANH LUẬN VỀ GIẢM THUẾ
Tuần vừa qua, dự luật đã được phê chuẩn tại Hạ viện Mỹ và được chuyển tới Thượng viện. Trước cuộc bỏ phiến thông qua dự luật, tại Hạ viện đã diễn ra một cuộc tranh luận căng thẳng trong nội bộ Đảng Cộng hòa, giữa một bên là phái ủng hộ việc giảm thuế và một bên là những phe cánh muốn cắt giảm chi tiêu nhiều hơn, nhanh hơn. Với đa số mong manh 220-213 của Đảng Cộng hòa trước Đảng Dân chủ ở Hạ viện, phe giảm thuế trong Đảng Cộng hòa đã phải giảm bớt tham vọng, chấp nhận để một số hạng mục giảm thuế hết hạn, nhằm gia tăng cơ hội để dự luật được thông qua.
Một số thành viên cứng rắn trong vấn đề chi tiêu, tuy về cơ bản ủng hộ dự luật, phàn nàn rằng việc cắt giảm chi tiêu như vậy là chưa đủ. Những người bảo thủ như hạ nghị sỹ Cộng hòa Chip Roy đến từ Texas muốn đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu và chấm dứt sớm hơn việc miễn thuế năng lượng sạch. Trong khi đó, một số nhà làm luật khác cùng đảng như hạ nghị sỹ Jen Kiggans từ bang Virginia lo ngại việc miễn thuế năng lượng sạch sẽ kết thúc quá sớm. Hạ nghị sỹ Cộng hòa Nick LaLota của bang New York muốn tăng thuế suất tối đa của thuế thu nhập cá nhân để bù cho việc khấu trừ thuế nhiều hơn ở cấp tiểu bang và địa phương.
Trong lúc việc tranh luận đang diễn ra, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s ngày 16/5/2025 đã cắt giảm một bậc điểm tín nhiệm của Mỹ. Báo cáo của Moody’s nhận định Quốc hội Mỹ sẽ không có những biện pháp đủ quyết liệt trong nhiều năm để giảm chi tiêu hay giảm thâm hụt ngân sách. Nợ chính phủ Mỹ do các cá nhân, tổ chức không phải là cơ quan liên bang nước này nắm giữ đang ở mức khoảng 29 nghìn tỷ USD, gần gấp đôi so với mức ở thời điểm mà ông Trump và Đảng Cộng hòa thông qua đạo luật cắt giảm thuế năm 2017. Trong chi tiêu của Chính phủ Mỹ hiện nay, mỗi 7 USD lại có gần 1 USD được dùng để trả lãi nợ công, nhiều hơn cả chi tiêu cho quốc phòng.
Nếu tính cả nợ do các cơ quan liên bang nắm giữ, nợ của Chính phủ Mỹ hiện là 36,2 nghìn tỷ USD, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) - một cơ quan phi đảng phái - dự luật giảm thuế của Đảng Cộng hòa sẽ khiến cho khối nợ này tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Bên phía Đảng Dân chủ, các nghị sỹ cho rằng có một khoảng cách lớn giữa những gì các nghị sỹ Cộng hòa nói và thực tế dự luật mà họ đưa ra. “Người dân sẽ bị cắt giảm chăm sóc y tế. Nhiều trẻ nhỏ và cựu chiến binh sẽ bị đói. Các bệnh viện ở vùng nông thôn có thể phải đóng cửa. Trong khi đó, người giàu lại càng giàu hơn”, hạ nghị sỹ Dân chủ Becca Balint đến từ bang Vermont nhận định.
Trên thực tế, Mỹ có sự mất cân đối mang tính cấu trúc giữa thu ngân sách từ thuế và chi tiêu công. Sự mất cân đối này xuất phát từ dân số lão hóa, chi tiêu ngày càng tăng, những đợt cắt giảm thuế, và các chương trình hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trong khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch Covid-19.
NHỮNG DỰ BÁO ẢM ĐẠM VỀ NỢ NẦN
Khối nợ công lớn hơn có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và lãi suất ở nước này tăng lên, gây áp lực suy giảm đầu tư của khu vực tư nhân. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện đã ở mức cao hơn nhiều so với ở thời điểm năm 2017 khi Đảng Cộng hòa thông qua dự luật cắt giảm thuế do ông Trump khởi xướng. Điều này gây áp lực đòi hỏi các nghị sỹ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thâm hụt ngân sách. Trong tuần từ 12/5 -18/5/2025, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã vượt 5%, cao nhất kể từ tháng 10/2023. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm nhảy lên gần 4,6%.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, từ đầu năm tài khóa bắt đầu vào ngày 1/10/2024 tới hết tháng 4/2025, tức là 7 tháng đầu tiên của năm tài khóa, Washington đã thâm hụt ngân sách 1,05 nghìn tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, dù thu từ thuế quan tăng mạnh trong tháng 4/2025 đã giúp giảm bớt mức thâm hụt.
“Nếu chương trình cắt giảm thuế 2017 được gia hạn, theo như kịch bản chính của chúng tôi, thâm hụt ngân sách cơ bản (chưa bao gồm tiền trả lãi) của Chính phủ liên bang sẽ tăng thêm khoảng 4 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới”, Moody’s nhận định trong báo cáo hạ điểm tín nhiệm Mỹ từ bậc cao nhất Aaa xuống Aa1 ngày 16/5/2025. “Vì vậy, chúng tôi cho rằng thâm hụt ngân sách liên bang sẽ tiếp tục tăng, lên mức gần 9% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trước năm 2035, từ mức 6,4% vào năm 2024, chủ yếu do tiền trả lãi tăng, chi tiêu tăng, và nguồn thu ngân sách tương đối thấp hơn. Chúng tôi dự báo khối nợ liên bang sẽ tăng lên mức 134% trước năm 2035 từ mức 98% vào năm 2024”, báo cáo cho biết.
Hai khoản chi lớn nhất trong ngân sách của Chính phủ Mỹ là chương trình hưu trí Social Security và trả lãi nợ công. Trong đó, Social Security đã ngốn 945 tỷ USD trong 7 tháng đầu của năm tài khóa này, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tiền lãi trái phiếu kho bạc Mỹ tăng 10%, lên mức 684 tỷ USD. Riêng trong tháng 4/2025, tiền trả lãi ròng cho số nợ công 36,2 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ là 89 tỷ USD.
Hai khoản chi lớn khác trong ngân sách của Chính phủ Mỹ là hai chương trình chăm sóc y tế Medicare cho người cao tuổi và người tàn tật và Medicaid dành cho người thu nhập thấp. Trong đó, chi phí cho Medicare tăng 16% trong 7 tháng đầu của năm tài khóa, lên mức 658 tỷ USD và chi phí cho Medicaid tăng 6% lên 387 tỷ USD.
Theo ước tính của CBO, nếu Quốc hội Mỹ không có động thái gì, Chính phủ Mỹ sẽ vay thêm 21 nghìn tỷ USD để chi tiêu trong thời gian 2025-2034. Mức vay nợ như vậy sẽ khiến tỷ lệ nợ chính phủ Mỹ do các chủ nợ tư nhân và nước ngoài nắm giữ so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng lên mức 117%, vượt kỷ lục thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Nếu so với kịch bản đó, dự luật giảm thuế của Đảng Cộng hòa sẽ khiến thâm hụt ngân sách của Chính phủ tăng thêm khoảng 13% vì có giảm được chi tiêu nhưng lại giảm thu ngân sách nhiều hơn. Nếu so với việc không có dự luật, dự luật này khiến thu ngân sách từ thuế giảm đi gần 4 nghìn tỷ USD, dù giảm được 1,6 nghìn tỷ USD chi tiêu thông qua cắt giảm chi cho các chương trình Medicaid, hỗ trợ dinh dưỡng và cho sinh viên vay ăn học. Dự luật cũng bao gồm tăng chi tiêu vài trăm tỷ USD cho an ninh biên giới, quốc phòng và hỗ trợ nông dân.
Hiện chưa có một con số ước tính chính thức cuối cùng, nhưng tổng hiệu ứng thâm hụt ngân sách của dự luật này là 2,7 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm so với việc không có dự luật và để cho chương trình cắt giảm thuế năm 2017 tự động hết hạn vào cuối năm nay, theo Ủy ban Ngân sách liên bang có trách nhiệm (CRFB).
Những người Cộng hòa lập luận rằng thâm hụt ngân sách thực tế sẽ không tăng như vậy nếu dự luật được thông qua. Họ cho rằng việc giảm thuế và nới lỏng quy chế giám sát đối với ngành dầu khí sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó dẫn tới tăng thu ngân sách từ thuế, bù lại cho việc cắt giảm mức thuế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng lập luận này chưa tính đến tác động tiêu cực của chính sách thuế quan của ông Trump đối với nền kinh tế. “Dựa vào tăng trưởng kinh tế đã trở thành một ‘cây đũa thần’ mà những người Cộng hòa thường đưa ra khi có vấn đề có thể xuất hiện”, ông Boccia nhận xét.