Một đợt bán tháo với cường độ gia tăng đang diễn ra trên thị trường trái phiếu toàn cầu, làm dấy lên mối lo ngại về tình hình tài chính của nhiều chính phủ và rủi ro lãi suất đi vay tăng cao đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp thế giới - hãng tin CNBC cho hay.
Do giá trái phiếu giảm mạnh, lợi suất trái phiếu đang tăng gần như trên toàn cầu, trong đó lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 14 tháng 4,799% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tuần này. Xu hướng leo thang của lợi suất được xem là phản ứng của giới đầu tư với kỳ vọng cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất chậm lại trong năm nay.
Ở Anh, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm đang gần mức cao nhất kể từ năm 1998, trong khi lợi suất của kỳ hạn 10 năm cao nhất kể từ năm 2008.
Nhật Bản, quốc gia đang nỗ lực đưa chính sách tiền tệ về trạng thái bình thường sau khi chấm dứt lãi suất âm vào năm ngoái, chứng kiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 1%, cao nhất trong 13 năm, vào hôm thứ Ba - theo dữ liệu từ LSEG.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, lợi suất trái phiếu chính phủ Ấn Độ kỳ hạn 10 năm có phiên tăng mạnh nhất hơn 1 tháng vào phiên ngày thứ Hai, đạt 6,846%, gần mức cao nhất của 2 tháng. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của New Zealand và Australia cũng đang ở gần mức cao nhất 2 tháng.
Ngoại lệ duy nhất là Trung Quốc. Giá trái phiếu chính phủ nước này đang tăng mạnh, bất chấp nhà chức trách triển khai các biện pháp hạn nhiệt. Lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng này, khiến Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) phải dừng chương trình mua vào trái phiếu chính phủ vào hôm thứ Sáu tuần trước.
MỐI LO LÃI SUẤT, NỢ NẦNGiới đầu tư toàn cầu hiện dự báo Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay, thậm chí có những dự báo cho rằng chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ này của Fed đã hoàn tất. Vì vậy, lợi suất tăng phản ánh kỳ vọng rằng mức lãi suất trong tương lai có thể cao hơn so với dự báo trước đây.
Ngoài ra, nhà đầu tư đòi hỏi mức lợi suất trái phiếu cao hơn để bù đắp cho rủi ro của việc nắm giữ những trái phiếu có kỳ hạn dài hơn vì họ lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách lớn của các chính phủ.
Một cơ sở để tin rằng Fed sẽ phải giảm lãi suất chậm lại trong năm nay là các báo cáo kinh tế Mỹ cho thấy sức bền của nền kinh tế, nhất là số liệu việc làm nóng hơn dự báo công bố vào tuần trước. “Sau báo cáo việc làm, chúng tôi cho rằng Fed chỉ giảm lãi suất 1-2 lần trong năm nay”, chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của công ty Interactive Brokers cho biết.
Bên cạnh đó, do thâm hụt ngân sách tăng cao, các chính phủ phải phát hành trái phiếu ồ ạt hơn để bù đắp. Nguồn cung trái phiếu tăng cũng là một nguyên nhân dẫn tới bán tháo. Nợ công của Mỹ đã lập kỷ lục hơn 36 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái, tương đương 123% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Nợ chính phủ Anh, không bao gồm nợ của các ngân hàng thuộc khu vực công, cũng đã lên tới 98% GDP.
Thị trường trái phiếu chính phủ Anh bán tháo thậm chí còn mạnh hơn vì sự kết hợp các lý do như đề cập ở trên - theo chiến lược gia Zachary Griffiths của công ty CreditSights. “Chủ yếu là do mối lo về tình hình tài khóa, nhưng tình trạng giảm giá của đồng bảng Anh cũng làm dấy lên mối lo về lạm phát”, ông Griffiths nói.
ẢNH HƯỞNG CỦA LỢI SUẤT TRÁI PHIẾU TĂNG CAOTheo ông Sosnicks, lợi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp tăng cao có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Lợi suất cao dẫn tới số tiền trả lãi cao, là một mối lo đặc biệt lớn đối với các chính phủ có thâm hụt ngân sách dai dẳng. Và như một vòng tròn luẩn quẩn, đây chính là một nguyên nhân khiến nhà đầu tư trái phiếu đòi hỏi mức lợi tức cao hơn để mua trái phiếu của những đợt phát hành tiếp theo.
“Các nhà đầu tư trái phiếu đang gửi đi một lời kêu gọi dõng dạc tới các chính phủ yêu cầu kiểm soát việc chi tiêu, nếu không sẽ phải đối mặt với sự phẫn nộ lớn hơn của thị trường”, Phó chủ tịch điều hành Tony Crescenzi của công ty quản lý quỹ đầu tư trái phiếu Pimco phát biểu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đang khiến cho một số ngân hàng trung ương khó giảm lãi suất trong ngắn hạn. Theo nhà kinh tế trưởng về khu vực châu Á của ngân hàng HSBC, ông Frederic Neumann, đây là nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) giữ nguyên lãi suất vào hôm thứ Hai tuần này.
Một nhà phân tích khác của HSBC dự báo các đồng tiền ở khu vực châu Á có thể giảm giá trên diện rộng. Khoảng cách gia tăng về lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu chính phủ một số nước châu Á đang dẫn tới tình trạng các dòng vốn chảy khỏi châu Á sang Mỹ, cũng như các dòng vốn từ các khu vực khác trên thế giới vào châu Á chảy chậm lại.
Và không chỉ các chính phủ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của lợi suất. Lãi suất đi vay của nhiều doanh nghiệp được căn cứ vào lợi suất trái phiếu chính phủ, nên khi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, lãi suất đi vay đối với các doanh nghiệp đó cũng tăng. Ảnh hưởng tiềm tàng sẽ là lợi nhuận của doanh nghiệp giảm hoặc các cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ - ông Sosnick nhấn mạnh, đề cập đến việc trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn so với trái phiếu chính phủ.
Khi lãi suất tăng, thị trường chứng khoán thường giảm điểm, gây suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, có thể dẫn tới nhu cầu chi tiêu yếu hơn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Một số chuyên gia dự báo giới đầu tư sẽ không mua trái phiếu vào thời điểm này, vì chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức. Theo chiến lược gia trưởng Dan Tobon của Citibank, nếu các chính sách của ông Trump bị cho là gây hiệu ứng lạm phát hoặc khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, bán tháo trái phiếu có thể tiếp tục diễn ra. Ngược lại, nếu các chính sách được công bố được đánh giá là vừa phải, thị trường trái phiếu có thể ổn định và thậm chí đảo ngược xu hướng giảm.