Quốc hội đề nghị mở rộng hơn nữa nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Tại báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến đề xuất bổ sung, mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường...

Ngày 22/11, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá 15 những nội dung tóm tắt của báo cáo số 2580/BC-UBTCNS15 thẩm tra Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Báo cáo cho biết đa số ý kiến cho rằng, ngoài việc bổ sung “nước giải khát có đường” vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, các nội dung sửa đổi khác liên quan đến đối tượng chịu thuế về cơ bản là để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Song, cơ quan thẩm tra Dự thảo của Quốc hội đánh giá việc hướng tới mục đích “mở rộng cơ sở thu”, “phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế” của Dự thảo chưa thực sự đạt được như kỳ vọng.

Để bao quát đầy đủ, toàn diện các đối tượng thuộc diện chịu thuế, phù hợp với mục tiêu của Chiến lược cải cách thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, xu hướng cải cách thuế của quốc tế, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất bổ sung, mở rộng hơn nữa các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

Liên quan đến nội dung bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế  tiêu thụ đặc biệt, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vì quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml.

Một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Với mục tiêu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thì việc chỉ đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế là chưa bao quát toàn diện các sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng vì nước giải khát có đường không phải là sản phẩm duy nhất có hàm lượng đường, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác (như các sản phẩm bánh, kẹo...).

Đồng thời, việc thu thuế đối với đồ uống có đường chưa hẳn đã đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng do người dân có nhiều lựa chọn khác để thay thế như sử dụng các sản phẩm có đường được pha chế tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường và cơ quan quản lý thuế cũng không có căn cứ để thu thuế đối với các sản phẩm đồ uống này.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì: (1) Nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra bệnh thừa cân béo phì. Kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, để hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, việc sử dụng các giải pháp khác như đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, tăng cường hoạt động thể chất, quy định giới hạn các nội dung được phép quảng cáo liên quan đến sản phẩm có đường,... có thể sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân. (2) Việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ tác động không thuận tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất nước giải khát mà còn có thể ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời, có thể gia tăng việc sử dụng các mặt hàng đồ uống được sản xuất không chính thức hoặc các sản phẩm sản xuất thủ công.

Với những nội dung sửa đổi liên quan đến điều hòa nhiệt độ, đa số ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ vì hiện nay, việc sử dụng điều hòa nhiệt độ đã trở nên phổ biến, không còn là mặt hàng xa xỉ như trước đây. Do đó, trong trường hợp vẫn tiếp tục thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ thì chỉ đánh thuế đối với các loại điều hòa sử dụng chất làm lạnh chứa HCFC để khuyến khích sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường hoặc phân loại theo công suất thiết kế và không thu thuế đối với loại điều hòa có công suất thiết kế được sử dụng phổ biến, phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người dân.