Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?

“Đào hoa ánh giang sơn” tiếp tục khai thác mô-típ cũ: Quyền thần và công chúa yêu sau khi cưới. Dù có dàn diễn viên đẹp và diễn xuất ổn định, bộ phim vẫn chưa tạo được điểm nhấn sáng tạo đủ sức phá vỡ lối mòn cổ trang hiện nay.

Bộ phim cổ trang " Đào hoa ánh giang sơn " , chuyển thể từ tiểu thuyết "Đào hoa chiết giang sơn", có sự tham gia của hai gương mặt quen thuộc trong làng phim cổ trang Trung Quốc: Mạnh Tử Nghĩa và Lưu Học Nghĩa. Nếu Lưu Học Nghĩa đã quá nổi tiếng với hàng loạt vai diễn trong "Niệm vô song", "Lưu ly mỹ nhân sát", thì Mạnh Tử Nghĩa sau thành công nhỏ với vai chính trong "Cửu trọng tử" đang dần thoát khỏi cái bóng vai phụ.

Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?- Ảnh 1.

Về mặt hình ảnh, phim vẫn duy trì thế mạnh "trai xinh gái đẹp". Mạnh Tử Nghĩa với gương mặt đậm nét cổ điển vào vai công chúa Khương Đào Hoa, còn Lưu Học Nghĩa hóa thân thành quyền thần Thẩm Tại Dã lạnh lùng, sắc bén. Các tuyến phụ như Lưu Lệnh Tư (vai Mạnh Trăn Trăn) hay Hoàng Mộng Oánh (vai Lữ Hậu) cũng góp phần làm phong phú thêm dàn diễn viên.

Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?- Ảnh 2.

Câu chuyện bắt đầu khi công chúa Khương Đào Hoa buộc phải gả sang Đại Kỳ, nhưng trớ trêu thay, nàng trở thành thiếp thất của Tể tướng Thẩm Tại Dã. Từ đây, nàng phải xoay xở giữa những âm mưu trong phủ Thẩm và áp lực từ triều đình, từ hoàng hậu, thậm chí cả từ những người vợ khác của Thẩm Tại Dã. Hậu viện phủ Thẩm nhìn bề ngoài yên ổn nhưng bên trong lại là một mê cung quyền lực, mỗi người đều che giấu những toan tính riêng.

Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?- Ảnh 3.

Ưu điểm của phim là không quá tâng bốc nhân vật chính. Họ không "hack não" mọi tình huống mà cũng phải vật lộn, toan tính như những người bình thường. Các nhân vật phụ có cơ hội phát huy mưu lược chứ không chỉ làm nền. Tuy nhiên, vẫn có những "lỗ hổng" logic khiến mạch phim thiếu thuyết phục.

Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?- Ảnh 4.

Vấn đề lớn nhất của " Đào hoa ánh giang sơn " là... không mới. Tình yêu giữa quyền thần và công chúa, mối quan hệ từ thù hận hóa thành tình sâu đậm đã xuất hiện quá nhiều trong các phim từ tiên hiệp đến cổ trang. Từ "Hoa thiên cốt" đến "Đông cung", khán giả đã quá quen thuộc với mô-típ "ngược luyến tàn tâm". Gần đây, "Lưu thủy điều điều" do Nhậm Gia Luân, Lý Lan Địch đóng còn để lại ấn tượng mạnh mẽ hơn.

Câu chuyện "từ căm ghét đến yêu thương" vốn không sai, nhưng nếu chỉ lặp lại mà không thêm sáng tạo, khán giả ngày càng cảm thấy nhàm chán. Ngay cả dàn nhân vật chính cũng chưa thật sự ấn tượng: Công chúa Khương Đào Hoa được khắc họa thông minh, cảnh giác nhưng lại thiếu chiều sâu cảm xúc, dễ biến thành hình mẫu "nhân vật giấy". Thẩm Tại Dã thì đi theo lối mòn "gian thần ngoài mặt, người tốt trong lòng" – kiểu nhân vật "mỹ cường thảm" (đẹp trai, mạnh mẽ, đau khổ) vốn đã quá bão hòa.

Quyền thần và công chúa "trước cưới sau yêu": Vì sao phim cổ trang Trung Quốc mãi chưa vượt thoát lối mòn?- Ảnh 5.

Thậm chí, phần đầu phim với các tình tiết ngược nữ (nữ chính chịu đày đọa) cũng khiến không ít người xem bỏ cuộc sớm, dù mục đích là tạo động lực phát triển cốt truyện.

Nếu không có đột phá trong kịch bản và cách kể chuyện, phim cổ trang Trung Quốc sẽ sớm lặp lại vết xe đổ của tiên hiệp: Đẹp nhưng nhạt, hoành tráng nhưng thiếu cảm xúc. Các diễn viên như Lưu Học Nghĩa hoàn toàn có thể thử sức với dạng vai "thoát khuôn" như nhân vật hài hước trong "Nhất niệm quan sơn", giống cách Phương Dật Luân từng làm nên bất ngờ khi chuyển từ vai yếu đuối trong "Trường ca hành" sang.

Tạm kết , " Đào hoa ánh giang sơn " là một tác phẩm xem được nếu bạn yêu thích thể loại tình yêu cổ trang, quyền mưu hậu viện. Nhưng để thực sự tạo dấu ấn như những tượng đài cũ, bộ phim còn thiếu quá nhiều thứ: Sáng tạo, chiều sâu nhân vật và sự bất ngờ trong câu chuyện.