Thủ tướng mong muốn ngân hàng chia sẻ lợi ích và rủi ro với doanh nghiệp

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn ngân hàng giảm lãi vay, tìm cách cải thiện tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong bối cảnh cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn trên diện rộng...

Chiều 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

NGÂN HÀNG CHẬT VẬT ĐẨY VỐN RA NỀN KINH TẾ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị này nhằm tiếp tục đánh giá chính sách tiền tệ, nhất là trong ưu tiên cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng cho biết đến nay, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Tuy nhiên, vừa qua, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản; làm đình trệ sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn, doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó, Thủ tướng mong muốn các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng với tình hình, trong đó có chính sách đối với những doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ. Đồng thời, đề xuất giải pháp liên quan tăng trưởng tín dụng, duy trì lãi suất cho vay hợp lý với tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ".

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng đã báo cáo về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, phát huy vai trò, đóng góp của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Tính đến ngày 17/9/2024, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 7,38% so với cuối năm 2023, trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,6%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống. Cơ cấu tín dụng phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp tục hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Đến 30/6/2024, tổng tài sản của 28 ngân hàng thương mại cổ phần đạt 9,3 triệu tỷ đồng, chiếm 45% thị phần toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Trong đó, có 22 ngân hàng quy mô tài sản trên 100.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động của khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt 8,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,44% và chiếm 46,1% thị phần. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt khá…

 
Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Phạm Quang Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

"Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 7/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 4,75%, tăng so với mức 4,55% vào cuối năm 2023 và mức 2,03% cuối năm 2022. Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đến cuối tháng 6/2024 có nợ xấu nội bảng là 633 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2023, chiếm 79,65% nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tổ chức tín dụng; tỷ lệ nợ xấu 7,77%".

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng gặp những khó khăn, hạn chế do liên quan nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, sức hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân thấp, nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao, khó khăn của thị trường bất động sản, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng…

Báo cáo tại hội nghị, nhiều ngân hàng cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng khó khăn, số dư nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 rất lớn, đến nay vẫn chưa thể thống kê đầy đủ mức độ thiệt hại. 

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết đến hết tháng 8/2024, dư nợ tín dụng của MB xấp xỉ 685 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 11,15% so với năm 2023; cao hơn bình quân toàn ngành). Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm xấp xỉ 65%; giải ngân mới gần 74 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB. Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB.

"MB điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh tại MB giảm từ 0,5% đến 1,45% so với năm 2023 (từ mức bình quân 7,88% năm 2023 nay còn xấp xỉ 6,94%)".

Theo ông Lưu Trung Thái, trong quý 4/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cùng đó, MB chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản… Đối với các giới hạn an toàn đến tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 1,77% (tăng 0,37% so với cùng kỳ 2023), tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,17%.

Ngoài ra, MB đã tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, song song MB sẵn sàng các công tác chuẩn bị để triển khai theo lộ trình và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về phương án chuyển giao bắt buộc.

NĂM THÁCH THỨC ĐỂ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG AN TOÀN, LÀNH MẠNH

Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần, mặc dù Chính phủ, các bộ ban ngành và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện các giải pháp ưu đãi, hỗ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của các tổ chức tín dụng vẫn đang chậm hơn so với cùng kỳ các năm do 5 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, do tác động của cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm dẫn tới cầu tín dụng cho sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp; các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19 cùng với ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế nên cầu vay vốn và khả năng gấp thụ vốn giảm sút. 

Thứ hai, cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng thắt chặt, đặc biệt là các chi tiêu không thiết yếu; bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… dẫn tới sut giảm cầu tiêu dùng cũng như cầu tín dụng tiêu dùng phục vụ đời sống.

Thứ ba, các khách hàng ngành điện tiếp tục gặp khó khăn, về hợp đồng mua bán điện đối với các doanh nghiệp chuyển tiếp, tình hình chậm thanh toán của EVN. Khó khăn kéo dài dẫn đến tình trạng khó khăn chung của toàn ngành và các khách hàng nói riêng.

Thứ tư, đối với lĩnh vực bất động sản, mặc dù có nhiều chính sách mới hỗ trợ các doanh nghiệp bất đống sản nhưng quá trình giải quyết vướng mắc pháp lý tại các dự án bất động sản vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng thu xếp nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp. Khan hiếm sản phẩm và tăng giá bất động sản tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Thứ năm, một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc tiếp cận tín dụng của nhóm này còn hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; thông tin tình hình tài chính còn thiếu minh bạch.

Lãnh đạo các ngân hàng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ/ngành nhanh chóng giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trên để khơi thông dòng vốn tín dụng. 

Đặc biệt, các cơ quan/bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ phê duyệt điều chỉnh/quy hoạch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản.

Cùng đó, các cơ quan quản lý cần có thêm  giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng; tăng cường thông tin truyền thông kịp thời để giữ vững tâm lý thị trường, nhà đầu tư trái phiếu.

 
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank. Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank.

"Chính phủ cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, dự thảo Luật chứng khoán có những điều khoản thay đổi quan trọng và sẽ ảnh lớn đến thị trường chứng khoán, thị trường vốn, cũng như tác động bất lợi đến việc huy động vốn của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, doanh nghiệp, người dân và lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, vừa đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn một cách bền vững".

Ngân hàng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh thống nhất cơ chế giá điện – đặc biệt là các dự án chuyển tiếp – các dự án mới, chỉ đạo EVN ưu tiên và đảm bảo tiến độ thanh toán cho các doanh nghiệp điện xanh, năng lượng tái tạo.

Đại diện các ngân hàng mong muốn Chính phủ thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.

Một số ngân hàng kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc; Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện tăng trưởng thêm "room tín dụng" cho các ngân hàng có năng lực, tích cực tham gia các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

#box1726913498659{background-color:#b3d5b6} #box1726920082027{background-color:#aee0b2} #box1726920336543{background-color:#cce8b5}