TP.HCM: Ngân hàng ưu tiên đẩy mạnh giải ngân vốn rẻ cho doanh nghiệp xuất khẩu

10 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi tại TP.HCM đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,21% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực trên địa bàn. Lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho Doanh nghiệp xuất khẩu cũng được ưu đãi ở mức không quá 4%/năm…

Ngày 31/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn tín dụng qua đó, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu với các ngân hàng

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã đặt các câu hỏi liên quan đến các vấn đề về cơ chế chính sách, điều hành tỷ giá, điều kiện cho vay ưu đãi đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM nhằm tháo gỡ khó khăn cho doan nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết doanh nghiệp xuất khẩu là 1 trong 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên thuộc chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi.

Hiện, lãi suất cho vay lĩnh vực này quá 4%/năm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng và tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng.

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, theo ông Lệnh, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, trong đó có ổn định tỷ giá nhằm thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế.

“Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy tỷ giá của Việt Nam luôn ổn định để giữ môi trường đầu tư, qua đó đảm bảo cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn ổn định và phát triển, nên các doanh nghiệp cứ yên tâm. Chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm”, ông Lệnh nhấn mạnh.

Theo đó, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này có nhiều lựa chọn cho nhu cầu vốn, nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, nhu cầu thanh toán.

Liên quan đến tín dụng xuất nhập khẩu trên địa bàn, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến nay, dư nợ cho vay xuất khẩu bằng VND với lãi suất ưu đãi đạt 105.305 tỷ đồng, chiếm 6,2% tổng dư nợ cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên tại TP.HCM.

Ngoài ra, tổng dư nợ tín dụng ngoại tệ đạt 130.500 tỷ đồng, chiếm 3,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Các tổ chức tín dụng cũng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác có liên quan cho doanh nghiệp nhiều tiện ích, thuận lợi trong quá trình phát triển thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, trong 10 tháng đầu năm 2024, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp ở TP.HCM "về đích sớm". Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân 548.337 tỷ đồng, bằng 107,5% quy mô gói. Hiện, đã có 166.291 khách hàng là doanh nghiệp hộ kinh doanh và hợp tá xã trên địa bàn Thành phố được vay vốn, giải ngân từ gói tín dụng này.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay thời gian qua để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, ngân hàng đã miễn, giảm nhiều loại phí dịch vụ như: Phí nhờ thu và chuyển tiền quốc tế, thanh toán tín dụng thư (L/C); triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay ngoại tệ ngắn hạn và cho vay bằng VNĐ với lãi suất cạnh tranh, thấp hơn thị trường từ 10-15% và thời gian giải ngân nhanh chóng... Đến nay, ngân hàng đã tài trợ vốn vay cho rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Bên cạnh đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tại Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa Vietcombank chi nhánh TP.HCM và 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trên địa bàn TP.HCM nhằm tạo sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu, cải tiến công nghệ và đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024.

Những kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và lĩnh vực xuất khẩu nói riêng trong 10 tháng đầu năm đã và đang phản ánh hiệu quả của chính sách. “Có thể nói, cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đã và đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó chính sách tiền tệ tín dụng tạo điều kiện và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhóm ngành lĩnh vực phát triển, đặc biệt là những nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của đất nước”, ông Lệnh nhấn mạnh.