"Tôi vẽ Hà Nội" là triển lãm được tổ chức thường niên bởi câu lạc bộ "Tôi vẽ". Đến với triển lãm, người xem sẽ như được hòa mình vào một Hà Nội rất xưa, rất cũ và vô cùng thân thuộc. Chậm lại một chút, thưởng thức từng tác phẩm bên trong một Hà Nội thu nhỏ giữa trung tâm Hà Nội nhộn nhịp phía ngoài ô cửa, thứ cảm giác ấm áp khó tả trong những ngày đầu đông sẽ không thể tìm thấy ở đâu khác.
Triển lãm trưng bày hơn 70 tác phẩm với đa dạng chất liệu, chủ yếu là màu nước, ngoài ra còn có lụa, sáp dầu… Các tác phẩm xoay quanh các chủ đề kiến trúc, ẩm thực, đời sống lao động…, phản ánh ký ức của các tác giả về những hình ảnh quen thuộc của Hà Nội. Hoài niệm là những gì bạn có thể cảm thấy ngay khi bước chân vào không gian triển lãm. Những ngôi nhà, góc phố, món ăn, đồ vật… đậm chất Hà Nội được tái hiện trong thế giới đầy màu sắc, vừa quen vừa lạ và ấm áp vô cùng.
Đặc biệt, nhóm tác giả tham gia triển lãm là những họa sĩ không chuyên, những người vốn là nhân viên văn phòng, kinh doanh, tài chính hay học sinh, sinh viên... có niềm đam mê lớn với hội họa. Tình yêu Hà Nội của họ được thể hiện qua những nét vẽ, những mảng màu. Mỗi người một công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng tìm đến nhau bởi có chung niềm đam mê với hội họa, với mảnh đất nơi họ đang sinh sống.
“Tôi là một kế toán, trước đây theo học ngành tài chính. Dù công việc bận rộn nhưng do đã đam mê từ bé, tôi luôn cố gắng dành thời gian cho hội họa. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong tôi có một tình yêu lớn với mảnh đất này. Hồi còn nhỏ, tôi thường theo chân cha mẹ lang thang khắp các con phố Hà Nội, và hồ Gươm là nơi gắn với nhiều kỷ niệm thơ ấu của tôi” - Phạm Khánh Ngọc, tác giả bức tranh “Giấc mơ trưa” chia sẻ. Tác phẩm của cô đưa người xem trở về miền không gian đặc biệt yên tĩnh của Hồ Gươm xưa với điểm nhấn là cầu Thê Húc.
Hội họa và tình yêu với thành phố của mình giúp Khánh Ngọc tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. “Kế toán và hội họa, tưởng chừng không liên quan nhưng tôi lại tìm thấy sự kết nối giữa chúng. Một điều quan trọng khi vẽ tranh bằng màu nước đó là cần phải kiểm soát sự cân bằng giữa nước và màu, công đoạn này đòi hỏi sự tính toán của người vẽ. Càng vẽ tôi lại càng yêu công việc của mình hơn và ngược lại. Dần dần, tất cả, hội họa, công việc và kế toán trở thành 3 trụ cột trong cuộc sống của tôi”, Khánh Ngọc nói.
Tại triển lãm lần này, Khánh Ngọc có 3 tác phẩm được trưng bày, trong đó “Giấc mơ trưa” được khán giả quan tâm nhiều nhất. Thông qua các tác phẩm của mình, tác giả mong muốn chia sẻ những trải nghiệm, chiêm nghiệm của bản thân về cuộc sống xung quanh, qua đó tôn vinh những nét đẹp trong văn hóa và bản sắc của người Hà Nội.
2 tác phẩm khác của Phạm Khánh Ngọc
Cùng tâm sự như Khánh Ngọc, với tác giả Lưu Ngọc Linh, hội họa là một cách để chị lưu giữ những mảnh ký ức thời thơ ấu. Trong một tác phẩm tạo được nhiều ấn tượng với người xem, Lưu Ngọc Linh đưa chúng ta về với Hà Nội của những năm 199x, một căn phòng với gạch hoa đặc trưng của thời kỳ ấy cùng những đồ vật bình dị mà thân thuộc với rất nhiều người. Chiếc tủ, bộ bàn ghế hay những chiếc đệm tựa lưng hoa văn con công… tất cả gợi nhớ về một thời đã xa thật bình yên, một Hà Nội của hoài niệm.
“Bức tranh này tôi vẽ lại chính phòng khách của gia đình minh khi tôi còn nhỏ. Bây giờ, vì giải tỏa làm đường, ngôi nhà ấy không còn nữa, ký ức về nó được tôi lưu giữ trong tác phẩm của mình. Mỗi lần đứng trước nó, cả tuổi thơ như ùa về trong tôi”, Lưu Ngọc Linh chia sẻ. Đây có lẽ cũng là đặc trưng dễ nhận biết trong tranh của Lưu Ngọc Linh, 5 tác phẩm tác giả mang tới triển lãm đều mang trong mình những thứ bình dị, xưa cũ, gợi cảm xúc như vậy.
Trong số 18 tác giả tham gia triển lãm lần này, có một người gây chú ý bởi tuổi đời còn rất trẻ, đó là Gia Long - cậu bé 15 tuổi đến từ TPHCM. Tuy không sinh ra cũng như sống ở Hà Nội, Gia Long lại có những ấn tượng rất mạnh mẽ với mảnh đất này qua những chuyến đi cùng gia đình.
“Bức tranh con cá là bức em tâm đắc nhất. Gia đình em từng có một lần ra thăm ao cá Bác Hồ và em đặc biệt yêu thích nơi đây. Em được mẹ cho một chút tiền để mua đồ ăn cho cá, có lẽ vì cá là một trong những loài vật em yêu thích nên nó tạo cho em một cảm xúc rất mãnh liệt. Bức tranh được vẽ dựa trên ký ức của em về chuyến đi đó”, Gia Long chia sẻ.
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Kim Xuân lại là họa sĩ lớn tuổi nhất tham gia triển lãm. Các tác phẩm của cô giới thiệu đến người yêu nghệ thuật những gam màu trẻ trung về hoa và các góc phố Hà Nội. Tất cả những sự đa dạng trong các tác phẩm tại triển lãm đem lại cho người xem một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội, với những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Triển lãm giống như một Hà Nội thu nhỏ đầy thân thuộc và bình dị, mang đến sự ấm áp cho người xem
Chia sẻ về triển lãm tại lễ khai mạc, họa sĩ Đinh Huy - người sáng lập câu lạc bộ “Tôi vẽ” cho biết: “Triển lãm là một điểm chạm qua các tác phẩm và câu chuyện của mỗi tác giả, để mọi người tin rằng, hội họa thuộc về tất cả chúng ta dù là người nội trợ, hay giảng viên, hay nhân viên văn phòng, dân tài chính, kinh doanh hay lãnh đạo doanh nghiệp... Mọi lứa tuổi, ai cũng có thể vẽ, chỉ cần chúng ta cho mình cơ hội được thử, được trải nghiệm và kiên trì vừa đủ. Thế giới màu sắc không chỉ giúp chúng ta kể những câu chuyện của riêng mình theo góc nhìn riêng, mà còn qua đó, khám phá bản thân mình tốt hơn, cân bằng cảm xúc, làm giảm stress do công việc hay gia đình và gia tăng kết nối. Có lẽ đây chính là sự đặc biệt của hội họa truyền tải công nghiệp văn hóa đương đại - một phần của ngành công nghiệp sáng tạo”.
“Tôi vẽ Hà Nội”, vượt ra ngoài khuôn khổ của một triển lãm nghệ thuật thông thường, đó còn là cơ hội, là một sự mời gọi dành cho những người không chuyên nhưng có đam mê với hội họa, với sáng tạo kết nối với cộng đồng yêu nghệ thuật. Triển lãm “Tôi vẽ Hà Nội” mở cửa đón khách từ 8h-17h hàng ngày từ 20/11 đến hết 28/11.