Diễn viên Thanh Tân, hay còn gọi là Tân Trề, được nhiều khán giả yêu mến bởi lối diễn xuất duyên dáng, hài hước. Tên tuổi của anh gắn liền với nhiều bộ phim như: Kính vạn hoa, Quỷ nhập tràng, Lật mặt, Chị Mười Ba,...
Hiện tại, Tân Trề có cuộc sống hạnh phúc bên bà xã Khánh Uyên và có 2 con "đủ nếp đủ tẻ". Quý tử đầu lòng của nam diễn viên mắc chứng chậm nói. Câu chuyện kiên cường đồng hành cùng con của cặp vợ chồng khiến nhiều khán giả xúc động.
Sau đây là những chia sẻ của nam diễn viên về quá trình can thiệp, đem lại cho con trai cuộc sống bình thường.
- Xin chào diễn viên Tân Trề. Thời điểm phát hiện con trai bị chậm nói, anh đã có những hành động gì để can thiệp kịp thời?
Tôi và gia đình bắt đầu tìm hiểu lý do và cách can thiệp như thế nào. Sau đó, tôi cho con đi học với thầy giáo có chuyên môn. Vợ chồng tôi cũng học cách dạy dỗ, tập luyện, chơi đùa,... với bé theo lời dặn của thầy.
Thời gian đầu, con biết nói nhưng làm biếng không chịu nói, vợ chồng tôi phải kiên nhẫn giải thích, để bé tự nguyện nói ra ý muốn của mình. Khi ấy, con cần gì thì luôn chỉ vào đồ vật hoặc nắm tay mình đến lấy. Sau này, tôi dạy con rằng muốn lấy gì thì phải nói cho bố mẹ, bà nội biết. Nếu con không nói thì sẽ không chiều theo. Dần dần bé tập được thói quen, muốn gì cũng phải nói ra.
- Ngoài những cách trên, vợ chồng anh có tham khảo ý kiến từ bạn bè hoặc những phụ huynh có con gặp tình trạng tương tự?
Tôi cũng có những người bạn cùng lứa và cũng có hỏi thăm, chia sẻ với họ. Nhưng tôi nghĩ rằng căn bệnh này xuất phát từ bên trong mỗi con người, các bé sẽ có những giới hạn tiếp thu, cách đồng hành khác nhau. Điều quan trọng là bố mẹ phải luôn đồng hành, kiên cường cùng con vượt qua.
XEM VIDEO: Tân Trề bật khóc khi nói về tình trạng của con trong một chương trình.
- Tân Trề từng nói con trai bị như vậy lỗi một phần do mình. Tại sao anh lại nhận lỗi về phía bản thân?
Là do tôi thấy mình dành thời gian cho con quá ít. Khi ấy, con đang ở độ tuổi phát triển, bố mẹ nên đồng hành cùng nhưng tôi lại quá tập trung cho công việc. Tôi đi làm khá nhiều, ít trò chuyện với con. Đôi khi về trễ, tôi chỉ dành được 1-2 tiếng cho con trước khi ngủ. Tôi day dứt vì nếu mình dành thời gian cho con nhiều hơn thì bé sẽ không đến nỗi nào.
- Sau khi phát hiện vấn đề, Tân Trề đã tiết chế lịch làm việc của mình như thế nào?
Tôi dành nhiều thời gian để ở bên con hơn, quan tâm, lo lắng và trò chuyện với bé nhiều hơn. Hiện tại, con tôi đã 5 tuổi rồi, cũng đã ổn định và bắt đầu "líu lo".
- Sau hành trình kiên cường cùng con trai chữa bệnh, Tân Trề cảm thấy thế nào khi bé cất tiếng nói đầu đời?
Con cái là một điều rất thiêng liêng. Khi sinh ra và được ẵm bồng con, tôi rất hạnh phúc. Con tôi khoảng 1-2 năm không nói được, bỗng một ngày bé kêu tiếng "ba" và "mẹ". Điều đó khiến tôi sung sướng đến khó tả. Khi ấy, tôi nhìn con mà nước mắt cứ rơi trong hạnh phúc.
- Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiết bị điện tử làm tăng nguy cơ bị chậm nói ở trẻ. Đối với Tân Trề, anh có đặt ra giới hạn nào cho các con trong việc tiếp xúc với các thiết bị này?
Con trai đầu lòng của tôi sinh ra trong mùa dịch nên bé không được đi học, đi chơi. Thú thật, vợ chồng tôi khi ấy cho con coi nhiều chương trình thiếu nhi. Trong mùa dịch, bố mẹ ở nhà nhiều nhưng lại để bé tiếp xúc nhiều với điện tử thì tôi nghĩ đó là sai lầm lớn của gia đình. Một phần tác hại là do điện thoại, hệ quả nghiêm trọng dẫn tới việc con bị chậm nói.
Vì có kinh nghiệm từ bé đầu, nên khi có con thứ 2, vợ chồng tôi tuyệt đối không cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử.
- Ngoài cách ly con khỏi các thiết bị điện tử, vợ chồng anh còn rút ra được kinh nghiệm gì khi nuôi dạy con thứ 2?
Đối với bé thứ 2, vợ chồng tôi đã có kinh nghiệm nên dành thời gian cho con nhiều hơn. Mọi thứ đều gần gũi hơn, trò chuyện với con để tránh tình trạng giống như anh. Hiện tại, con thứ 2 của tôi phát triển bình thường.
Khi có thời gian, tôi cũng dẫn gia đình đi du lịch, cố gắng sắp xếp công việc để Chủ nhật hàng tuần chở các con đi chơi khu thiếu nhi.
- Có những phụ huynh chấp nhận cho con học lại nhiều năm đến khi bé nói rành rọt, thay vì lên lớp theo đúng độ tuổi. Với Tân Trề thì như thế nào?
Tôi chấp nhận cho con học chậm 1-2 lớp so với các bạn. Tôi thà để con chậm lại nhưng phát triển bằng bạn bè. Cho bé học trường bình thường để tiếp thu dễ dàng hơn, đúng sức, hơn vào trường giỏi mà học không theo kịp.
- Phụ nữ rất dễ bị stress, đặc biệt là sau khi sinh và biết con mình bị chậm nói. Tân Trề đã đồng hành cùng vợ như thế nào trong khoảng thời gian đó?
Thật sự vợ tôi stress nặng. Khi sinh con xong, cô ấy phải chăm sóc bé mỗi đêm, có những hôm còn không ngủ. Khi ấy, tôi đi quay phim không có ở nhà, chỉ biết an ủi, động viên. Tôi nói với vợ là: "Mới sinh mà đừng nghĩ nhiều, đừng tự tạo áp lực cho mình, cần gì thì gọi ba bên cạnh".
Lúc biết bé chậm nói vợ cũng buồn. Vợ chồng tôi đi gặp nhiều bác sĩ, đến khi con nói được nhiều thì mới đỡ phần nào, vui hơn. Thật sự là vào khoảng thời gian đó, tôi cũng không thể nào chọn được 2 thứ. Nếu mình không làm việc mà ở nhà thì không có tiền mưu sinh. Nếu buộc phải đi mưu sinh thì chấp nhận có ít thời gian ở nhà. Vì thế khi nhắc lại khoảng thời gian con chậm nói, tôi không muốn bản thân tái phạm lần nào nữa.
- Trong mắt Tân Trề, bà xã là người phụ nữ thế nào?
Không phải vì là vợ tôi nên mới khen, nhưng cô ấy tuyệt vời lắm. Vợ tôi hy sinh khoảng thời gian thanh xuân và công việc nghệ thuật để chăm sóc cho gia đình. Những gì tốt đẹp nhất, vợ tôi dành hết cho chồng và con cái. Cô ấy chưa từng suy nghĩ cho bản thân, chỉ biết gia đình của mình thôi.
- Vốn quen thuộc với những vai phản diện, tính cách "lóc chóc", khi các con Tân Trề xem bố trên phim thì thường phản ứng thế nào?
Các con tôi cười rất nhiều. Mỗi lần thấy tôi đóng vai ác, bị rượt đuổi, mồ hôi nhễ nhại là bé cứ cười hoài. Đôi lúc tôi không hiểu con cười cái gì, thích thấy bố bị "tác động vật lý" hay sao (cười).
- Nhiều nghệ sĩ sợ để lại ấn tượng không đẹp trong mắt con nhỏ vì những vai diễn trên phim của mình. Còn Tân Trề thì như thế nào?
Với tôi, mỗi vai diễn là một hành trình, xong phim thì phải dứt khỏi nhân vật, không để bản thân bị lún sâu. Mỗi khi hoàn thiện một vai diễn, tôi đều giải thích với các con rằng nhân vật này không có thật, mọi thứ con nhìn thấy đều là ở trong phim nên đừng suy nghĩ quá nhiều.
- Thời gian qua, Tân Trề gây ấn tượng với web drama "Anh T Trần". Trong quá trình quay phim này, anh đã gặp những khó khăn gì?
Ở thời điểm này, ekip của tôi chưa đủ kinh phí để làm phim điện ảnh, chỉ đủ thực hiện 1 web-drama. Chúng tôi đều rất "máu" làm phim, tuy nhiên khó khăn khác là bối cảnh, thời gian không cho phép. Tôi chỉ có khoảng thời gian là 8-9 ngày cho 3 tập phim. Thật sự ekip muốn dành thời gian thực hiện web-drama này chỉn chu nhất có thể, có sự đầu tư về góc máy, bối cảnh và mọi thứ.
Đây không phải phim về giang hồ mà là phim về đề tài xã hội, vấn nạn cuộc sống hiện tại. Cuộc sống bây giờ còn những khu ổ chuột, thật sự đi tới đó tôi mới biết được có những khu đó. Họ rất nghèo, nhiều khi không có điện. Bên cạnh đó, tình trạng lừa gạt trên mạng xã hội cũng được tôi đem vào phim.
Nhân vật anh Tê do tôi đóng khác hoàn toàn so với những vai diễn trước. Tôi thường đóng vai hài hước hoặc một thằng đàn em láu cá, lóc chóc. Riêng phim này, nhân vật rất là "đằm", nói câu nào chắc câu đó. Thể loại vai này mới, tôi cần phải học hỏi, trải nghiệm.
- Vì kinh phí khá gắt gao, Tân Trề đã làm gì để vượt qua khó khăn tài chính?
Một số anh em và nhãn hàng hỗ trợ cho tôi. Đặc biệt là cảm ơn nhà sản xuất Đức Bảo rất nhiệt tình trong dự án này. Câu cửa miệng của Bảo là: "Cứ chơi đi, mọi chuyện tính sau. Đoàn phim cứ quay đi, thiếu đủ gì có anh".
- Kế hoạch hoạt động nghệ thuật sắp tới của Tân Trề như thế nào?
Ekip cũng đang cố gắng tìm ra 1 kịch bản hay nhất, thông qua những nhà đầu tư để thực hiện 1 bộ phim điện ảnh. Chúng tôi muốn làm ra bộ phim phục vụ tất cả mọi người.
- Cảm ơn diễn viên Tân Trề vì những chia sẻ!
