Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cùng Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước trên địa bàn tỉnh vào ngày 17/5.
Theo kế hoạch, tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với các tổ chức tín dụng, trong đó có VDB, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn triển khai các dự án trọng điểm. Đây là bước đi nhằm hiện thực hóa chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết GRDP bình quân giai đoạn 2021-2024 của tỉnh đạt 8,8%/năm; riêng năm 2024, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 98,2 triệu đồng. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức 13–14%, hướng tới hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ xác định năm cụm ngành trọng điểm gồm: năng lượng – năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; và xây dựng – bất động sản. Theo đó, tỉnh đang triển khai các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.
Ông Hoàng đề nghị VDB tiếp tục hỗ trợ kịp thời về vốn vay, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm để doanh nghiệp có thêm nguồn lực triển khai các dự án lớn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, hạ tầng công nghiệp, chế biến, công nghệ cao…
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của Nghị định 78/2023/NĐ-CP, trong đó quy định rõ vai trò của VDB trong thẩm định, quản lý và giám sát vốn vay, hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ và bền vững theo định hướng chiến lược quốc gia.
VỐN ĐẦU TƯ ƯU TIÊN TẬP TRUNG VÀO CÁC DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng VDB, đánh giá Ninh Thuận đang dần trở thành điểm đến tiềm năng cho nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh địa phương này chuẩn bị triển khai các dự án năng lượng lớn như điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Do tính chất khó khăn của địa bàn, nhiều dự án tại Ninh Thuận đủ điều kiện vay vốn từ VDB. Ông Hoan khẳng định VDB sẽ tiếp tục đóng vai trò là kênh cung cấp tài chính quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng khu vực, địa phương và quốc gia.
Ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc VDB, cho biết thêm theo Nghị định 78, VDB sẽ ưu tiên cho vay các dự án hạ tầng trọng điểm, phát triển kinh tế xã hội quy mô lớn, đặc biệt tại các vùng khó khăn. Mức cho vay có thể lên đến 70% tổng vốn đầu tư dự án; giới hạn tín dụng một khách hàng là 9.000 tỷ đồng, nhóm khách hàng là 15.000 tỷ đồng; thời hạn vay kéo dài tới 15 năm, lãi suất không thấp hơn 85% mức bình quân của các ngân hàng thương mại.
Tại hội nghị, VDB đã ký kết ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (dự kiến giải ngân hơn 14.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần tập đoàn BIM (khoảng 5.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần tập đoàn K-MS (15.000 tỷ đồng), Công ty TNHH SEAGULL ADC Ninh Thuận (trên 500 tỷ đồng), và Công ty TNHH Phú An Thành Gia (1.000 tỷ đồng).