Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần sẵn sàng giảm lãi suất về mức “thấp hơn một chút” so với mức 2% vì chiến tranh thương mại toàn cầu đe dọa kéo tụt giá hàng hóa tiêu dùng - một quan chức cấp cao của ECB nhận định.
“Nếu nhìn vào nền kinh tế, những cú sốc mà chúng ta đang phải đương đầu và sự bất định về tăng trưởng có thể đòi hỏi chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ một chút”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bỉ Pierre Wunsch, một thành viên hội đồng thống đốc ECB, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Financial Times.
Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của ECB sẽ diễn ra vào ngày 5/6. Trong cuộc họp chính sách gần đây nhất diễn ra vào ngày 17/4, ECB giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất tham chiếu của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) về mức 2,25%, thấp nhất kể từ năm 2023.
Thị trường tài chính hiện tại dự báo ECB sẽ giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 6, và giảm thêm một lượng tương tự trong nửa sau của năm nay, đưa lãi suất về mức 1,75% - theo dữ liệu của hãng tin Reuters.
Ông Wunsch nói ông không ngạc nhiên khi xem những dự báo này của thị trường. “Từ những dự báo này, tôi thấy rằng thị trường tin là vào khoảng cuối năm nay, chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển nhẹ sang trạng thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, vị Thống đốc phát biểu.
Việc ông Wunsch ủng hộ ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất là một thay đổi lớn so với lập trường chính sách tiền tệ tương đối cứng rắn của ông trước đây. Hồi tháng 2 năm nay, ông nói với Financial Times rằng ECB không nên “mộng du về mức lãi suất 2% mà không suy nghĩ gì”.
Điều này đồng nghĩa rằng bà Isabel Schnabel sẽ là thành viên “diều hâu” cuối cùng trong hội đồng thống đốc gồm 26 thành viên - bộ phận đưa ra quyết định lãi suất của ECB. Trong một bài phát biểu ở Mỹ hôm 9/5, bà Schnabel lập luận rằng chiến tranh thương mại toàn cầu đe dọa đẩy lạm phát tăng ở khu vực eurozone, do đó hạn chế dư địa của việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.
Giải thích về sự thay đổi quan điểm của mình, ông Wunsch nói rằng những diễn biến từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4 đã dẫn tới “rủi ro suy giảm rõ ràng đối với lạm phát” ở khu vực eurozone, đồng thời gia tăng nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Tốc độ lạm phát hàng năm ở eurozone trong tháng 4 vừa qua là 2,2%, còn cao hơn mục tiêu 2% của ECB, nhưng nhiều nhà kinh tế học cho rằng những yếu tố như giá dầu giảm chưa được phản ánh hết vào giá tiêu dùng.
Ông Wunsch cũng đề cập đến việc đồng euro tăng giá mạnh gần đây so với USD. Đồng euro mạnh lên đồng nghĩa hàng nhập khẩu vào eurozone sẽ rẻ đi đối với người tiêu dùng ở khu vực này, dẫn tới giảm áp lực lạm phát - ông lập luận. Ngoài ra, giá năng lượng giảm mạnh từ đầu tháng 4 và khả năng giá hàng hóa từ Trung Quốc giảm cũng sẽ mang lại những hiệu ứng tương tự - ông nói thêm.
Trong ngắn hạn, ông Wunsch không có rằng kế hoạch chi tiêu mới 1 nghìn tỷ euro của Đức nhằm tăng đầu tư cho quốc phòng và hạ tầng sẽ bù lại hiệu ứng giảm lạm phát của chiến tranh thương mại. “Chính sách tài khóa cần thời gian mới có thể phát huy tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông nói và cho rằng eurozone có thể sẽ đương đầu với một “cú cú sốc kinh tế tiêu cực trong ngắn hạn”, trước khi đón nhận “cú sốc tích cực vào năm 2026 và 2027”.
Dù vậy, ông Wunsch không cho rằng ECB cần cắt giảm lãi suất với bước giảm lớn, 0,5 điểm phần trăm trong một lần giảm, trong tương lai gần.
Hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán thương mại với Mỹ nhằm được giảm thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang nước này. Ngoài thuế đối ứng 20%, khối này còn chịu thuế suất 25% khi xuất khẩu các mặt hàng nhôm, thép và ô tô sang Mỹ. Phát biểu trong tháng 6 này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói EU vẫn “hoàn toàn cam kết với việc tìm ra các giải pháp thông qua đàm phán với Mỹ” nhưng khối này đang chuẩn bị sẵn sàng cho “tất cả các khả năng”.
Ông Wunsch cảnh báo rằng ngay cả trong thỏa thuận với Anh, Mỹ vẫn áp thuế đối ứng 10%. “Đó là một mức thuế lớn”, ông nói, cho rằng thuế suất này có thể dẫn tới”tăng trưởng thấp hơn ở Mỹ, đẩy giá cả ở nước này tăng và khiến các chuỗi cung ứng trở nên kém hiệu quả hơn”.